Nghiêm túc xây dựng ma trận đề thi

GD&TĐ - Vừa mới đây, dư luận xôn xao câu chuyện 70% học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị điểm dưới trung bình môn Toán, khiến quận này phải tổ chức thi lại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phát ngôn sau sự cố, lãnh đạo Phòng GD&ĐT lý giải nguyên nhân do chuyên viên ra đề theo ma trận đề thi mới, học sinh chưa được làm quen, thực hành nhuần nhuyễn nên không làm được bài. Tuy nhiên, một số giáo viên khi phân tích đề cho rằng câu hỏi trong đề thi là khó, phức tạp đối với học sinh lớp 9.

Ra đề kiểm tra, tổ chức thi học kì là công việc thường xuyên của cơ sở giáo dục, có hướng dẫn chi tiết của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT. Mấy năm trở lại đây, nhiều địa phương tổ chức thi học kì một số khối lớp, ở một số môn nhất định theo đề chung toàn tỉnh; một số môn, lớp thi theo đề chung toàn quận/huyện. Cách làm này, giống như một cách đánh giá ngoài nhà trường, để từ kết quả các bài thi chung, có thể thấy một phần chất lượng dạy học của các trường trên cùng địa bàn, xếp hạng cao thấp rõ ràng.

Có lẽ các địa phương thực hiện thi học kì theo đề chung có lý do chính đáng cho việc này và tôi tin mục đích là tốt. Tuy nhiên, với tổ chức đánh giá diện rộng, số lượng học sinh tham gia lên đến hàng nghìn thì điều không thể thiếu là phải có một ngân hàng đề tốt.

Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học của Bộ GD&ĐT năm 2019 đã nêu rõ yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra 1 tiết, cuối học kì, cuối năm học theo ma trận và viết câu hỏi phục vụ ma trận đề. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh, giáo viên và nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

Bộ GD&ĐT cũng có một hướng dẫn riêng, chi tiết việc biên soạn đề kiểm tra. Nhưng ra được đề thi, kiểm tra tốt không phải là công việc dễ, bên cạnh nắm chắc hướng dẫn, đòi hỏi người ra đề phải có năng lực, đầu tư thời gian công sức xứng đáng. Nhất là với yêu cầu mới, mục tiêu giáo dục không phải nội dung, kiến thức mà là phát triển phẩm chất, năng lực; yêu cầu đề kiểm tra cũng phải hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học, không thể chỉ là kiểm tra nội dung kiến thức đơn thuần. Trên thực tế, chất lượng đề kiểm tra còn là nỗi niềm trăn trở và có một ngân hàng đề tốt vẫn là mục tiêu hướng tới của nhiều địa phương.

Quay trở lại câu chuyện điểm thi học kì môn Toán tại quận Thanh Xuân, lãnh đạo Phòng GD&ĐT cũng thừa nhận điểm yếu ở khâu tập huấn giáo viên về cách ra đề mới. Bình luận liên quan đến việc này, một giáo viên tại Hà Nội thẳng thắn cho rằng, chuyên viên phụ trách chuyên môn tại các cơ sở giáo dục cần được tập huấn kỹ về kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Những người không hiểu kỹ về yêu cầu cần đạt cốt lõi đối với từng lớp thì không nên nhận lời làm đề thi.

Việc chú trọng đánh giá cách học, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, sử dụng kết quả đánh giá vào quá trình dạy học để động viên, tạo hứng thú học tập cho học sinh, chắc chắn cần thấm nhuần hơn nữa đến các thầy cô. Phương thức đánh giá này thể hiện quan điểm nhân văn, phù hợp với cách đánh giá người học của các nước có nền giáo dục tiên tiến, theo đó, “đánh giá không phải điểm kết thúc mà là khởi đầu cho một giai đoạn giáo dục mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.