Học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại cá nhân. Mỗi em được cấp một tài khoản, đến giờ làm bài, nhà trường gửi đề kiểm tra vào tài khoản của học sinh. Các em sẽ tính toán trên giấy nháp và điền kết quả bằng điện thoại/máy tính.
Sau khi thí sinh bấm nút nộp bài, bài thi được chấm ngay lập tức trên hệ thống, tự động vào sổ điểm, và báo điểm ngay cho thí sinh. Hình thức kiểm tra này, năm học trước, cũng được Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM tổ chức với đợt kiểm tra giữa học kỳ II khối 12 môn Toán trên máy vi tính kết nối mạng.
Thi hay kiểm tra trực tuyến là một hình thức kiểm tra, đánh giá được các trung tâm dạy học, khảo thí ngoại ngữ, các trường học trực tuyến, trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng… áp dụng khá phổ biến hiện nay. Lợi ích rõ nhất với kiểm tra/thi trực tuyến là khá minh bạch, đánh giá đúng năng lực học sinh, khó gian lận. Về phía giáo viên thì tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc soạn đề, tạo các tổ hợp đề và chấm điểm bài làm. Học sinh hứng thú vì kết quả làm bài sẽ hiển thị ngay sau khi trả lời tất cả câu hỏi.
Tuy vậy, trong nhà trường phổ thông, nhất là hệ thống công lập, cách thức kiểm tra đánh giá này vẫn là khá mới mẻ và… còn khó nhân rộng. Bởi để tổ chức kiểu thi này trong trường phổ thông đòi hỏi nhà trường cần phối hợp với một đơn vị triển khai phần mềm khảo thí trực tuyến - phần mềm có các chức năng như giao bài tập về nhà cho học sinh, chấm điểm tự động ngay khi các em hoàn thành bài tập, quản lý ngân hàng đề thi riêng, tạo ma trận đề thi, trộn đề thi trắc nghiệm thành nhiều nhóm mã đề thi khác nhau…
Việc xây dựng ngân hàng đề thi của phần mềm trực tuyến cũng rất kỳ công, với hàng trăm nghìn câu hỏi, dù đơn vị phần mềm có sẵn kho tham khảo nhưng tổ chuyên môn của trường vẫn phải chịu trách nhiệm chính.
Hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức thi/kiểm tra trực tuyến đòi hỏi phải đồng bộ: Học sinh có đủ smartphone hay phòng máy của trường phải sẵn sàng, năng lực mạng/phần mềm kiểm tra trực tuyến phải đủ tải hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đề cho học sinh/đợt thi/kiểm tra, nếu không sẽ có nguy cơ... sập.
Chi phí cho phần mềm, nhân sự, hạ tầng mạng... không phải nhỏ, vì thế, việc tổ chức thi/kiểm tra trực tuyến thuận tiện hơn với các trường tư thục, tự chủ tài chính, trường tiên tiến. Còn ở trường công lập thuần túy, muốn làm phải “xã hội hóa”, nghĩa là phụ huynh phải đóng góp trên tinh thần tự nguyện (không dưới 300 nghìn/năm/học sinh). Thêm một gánh nặng chi phí mà được phụ huynh đồng thuận, không phải là chuyện dễ dàng đối với các trường, nhất là vùng khó khăn.
Ngoài ra, một rào cản khác cho việc triển khai kiểm tra/thi trực tuyến trong trường phổ thông là sự thiếu đồng bộ về chính sách kiểm tra/thi cử. Hình thức kiểm tra trực tuyến cơ bản chỉ áp dụng với loại hình trắc nghiệm nhưng trong nhà trường phổ thông, không phải môn học nào, kỳ thi nào cũng áp dụng thi trắc nghiệm. Ở nhiều địa phương, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá của Sở vẫn quy định một tỷ lệ không nhỏ cho hình thức tự luận, có nơi 30%, có nơi 50% cho kiểm tra giữa/cuối kỳ, tùy theo cấp lớp, môn học…
Đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá với sự ứng dụng CNTT là chủ trương lớn của ngành. Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã dự kiến từ năm 2021 - 2023 có thể tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính một số lần/năm ở những vùng miền thuận lợi trước, hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính.