Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình tổ chức thực hiện nhằm vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, mã số KHGD/16-20.ĐT.033, do PGS.TS. Nguyễn Thám làm chủ nhiệm, nằm trong Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế được giao chủ trì thực hiện
Thời gian thực hiện 24 tháng, từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020, do yếu tố khách quan đề tài được gia hạn đến 30/11/2021 để thực hiện các thủ tục rà soát, cắt giảm nội dung kinh phí hoặc dừng thực hiện theo Quyết định 1839/QĐ-TTg ngày 18/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong điều kiện kinh phí phải tiết kiệm, cắt giảm, đặc biệt do tác động của dịch Covid-19 nên đề tài phải cắt giảm hoạt động thử nghiệm bộ công cụ, hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục và xây dựng hướng dẫn sử dụng bộ chỉ số.
Đề tài đã hoàn thành các sản phẩm đăng ký theo thuyết minh: Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về xu hướng phát triển của chỉ số mức độ hài lòng, việc đánh giá mức độ hài lòng và vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục trên thế giới; Báo cáo đánh giá thực trạng vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục ở nước ta hiện nay nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; Bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục (công và tư) ở các cấp học;
Nhóm nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành Đề tài với những đóng góp chủ yếu về khoa học: Đề tài đã hệ thống hoá những vấn đề lý luận về vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; Đề tài đã xây dựng bộ công cụ phỏng vấn đánh giá thực trạng vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục.
Về giá trị thực tiễn, Đề tài đã khảo sát và đánh giá thực trạng vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục, đề xuất hướng hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục ở Việt Nam, đề xuất mô hình tổ chức thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục và vận dụng kết quả vào việc quản lý chất lượng giáo dục ở các cấp và đề xuất các giải pháp chính sách vận dụng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở nước ta.
Mô hình và giải pháp tổ chức thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục và vận dụng kết quả vào việc quản lý chất lượng giáo dục ở các cấp của Đề tài đề xuất đã được Vụ Tổ chức - Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các cơ sở giáo dục tiếp nhận, sử dụng.
Ý kiến phản biện của các thành viên hội đồng đều thống nhất cao, Đề tài đã hệ thống hóa lý luận, tiếp tục làm rõ hơn các nghiên cứu, làm rõ thực trạng dịch vụ GD, đưa ra đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng GD. Nghiên cứu đã hoàn thiện và vượt chỉ tiêu đặt hàng, cho thấy đã có nhiều cố gắng. Kết quả đưa ra nhiều kết luận và giải pháp có giá trị tham khảo hữu ích và khả thi hiệu quả. Độ tin cậy khảo sát tư liệu đa dạng phong phú, thực hiện ở các cấp học, phương pháp định tính định lượng, có đủ đối tượng ở bậc học và vùng bắc trung nam. Số liệu khảo sát chân thực, bài bản trong bối cảnh Covid-19 như vậy là thành tích đáng ghi nhận. Bên cạnh đó Đề tài còn có những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung những thông tin bộ ngành, địa phương, đồng thời tích hợp các giải pháp để nâng cao tính ứng dụng phụ hợp với thực tiễn hơn.
Phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, đây là một trong những đề tài quan trọng, ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, đề tài còn đóng góp xây dựng triển khai chính sách, cải cách hành chính để đo lường sự hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục. Thứ trưởng nhất trí với đánh giá của các thành viên hội đồng, Đề tài đã đạt được những yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên, chỉnh sửa một số nội dung các thành viên hội đồng đã nêu. Đề tài cần hoàn thiện, đảm bảo về mặt chuyên môn, học thuật theo đúng chuẩn mực. Phải khẳng định rõ phạm vi, tính chất của Đề tài. Chỉ số hài lòng của người dân là chỉ số nào cần được làm rõ. Đề xuất đánh giá cần chỉ ra những nguyên nhân bất cập trong triển khai ở bộ chỉ số hay giải pháp thực hiện, khi đó mới đề xuất mô hình.