Nghịch lý trận đấu xe tăng đang diễn ra trên chiến trường

GD&TĐ - Theo tờ Business Insider của Mỹ, trong cuộc chiến xe tăng trên chiến trường Ukraine, cả Moscow và Kiev đều không thành công.

Xe tăng Challenger của Ukraine bị Nga phá hủy.
Xe tăng Challenger của Ukraine bị Nga phá hủy.

Xe tăng phơi mình

Nhận định được báo Mỹ dẫn lời ông Riley Bailey, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, đưa ra khi nói về hiệu quả của của lực lượng xe tăng trong xung đột Nga, Ukraine hiện nay.

"Các cuộc tấn công bằng lực lượng xe tăng khó có thể thành công nếu không có bất ngờ cho đối thủ", ông Riley Bailey nói.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, điều kiện địa hình bằng phẳng và nhiều máy bay không người lái giám sát có nghĩa là bên phòng thủ có thể phát hiện rõ động thái của xe tăng.

Đây chính là lý do khiến cả Nga và Ukraine đều không thể thực hiện thành công các cuộc tấn công bằng xe tăng vì rất khó gây bất ngờ cho nhau.

"Rất nhiều cuộc chiến tranh cơ giới hóa ở một mức độ nào đó dựa trên tính bất ngờ để có thể tiến nhanh và khiến đối phương mất cảnh giác.

Nhưng gần như tất cả các động thái điều động và triển khai lực lượng xe tăng của hai bên dọc theo chiến tuyến đều bị phát hiện. Vì vậy tạo bất ngờ là điều thực sự không thể xảy ra", chuyên gia Bailey cho biết thêm.

Một lý do là địa hình bằng phẳng ở phía Đông và phía Nam Ukraine. Do đó, không có nơi nào để che giấu các phương tiện bọc thép. Một lý do khác là có rất nhiều máy bay không người lái trên bầu trời. Cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc rất nhiều vào cả máy bay không người lái giám sát và tấn công.

Những máy bay không người lái giám sát được sử dụng để theo dõi đối phương và thường cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho pháo và các loại vũ khí tầm xa khác.

Bản thân máy bay không người lái tấn công là vũ khí, trong một số trường hợp, có thể khiến xe bọc thép và xe tăng bị hư hỏng và vô hiệu hóa.

Quân đội Nga và Ukraine đều gặp tổn thất lớn khi sử dụng xe tăng và xe bọc thép trong chiến đấu.

Việc hạn chế sử dụng phương tiện bọc thép và xe tăng, cũng như khó khăn mà cả hai bên gặp phải khi tìm cách gây bất ngờ cho đối phương, đã góp phần tạo nên thế giằng co của trận chiến, khi không bên nào đạt được đột phá lớn.

Hệ thống phòng thủ dày đặc do Nga bố trí, bao gồm các bãi mìn rộng lớn và nhiều lớp, cũng đã giúp giữ cho chiến trường luôn tĩnh lặng. Ukraine cho biết các đồng minh ở phương Tây không gửi vũ khí cần thiết để đạt được bước đột phá.

Thiết giáp xung trận vì mục tiêu kiểm soát Donetsk

Cũng theo Business Insider, trong cuộc chiến ở ngoại ô thành phố Avdeevka, hai thiết giáp M2 Bradley Ukraine phối hợp bắn hỏng tháp pháo xe tăng T-90M hiện đại nhất trong biên chế.

Hình ảnh do máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ ghi lại cho thấy cảnh hai thiết giáp M2 Bradley của Ukraine giao chiến với một xe tăng T-90M Proryv hiện đại nhất của lực lượng Nga. Xe tăng Nga nã pháo trước, song bắn trượt thiết giáp Ukraine.

Ngay sau đó, hai chiếc M2 Ukraine phối hợp xả đạn pháo 25 mm vào chiếc T-90, dường như nhằm vào khớp nối giữa tháp pháo và thân xe. Đây là vị trí được đánh giá là điểm yếu nhất trên bất cứ loại xe tăng nào.

Sau khoảng 10 phút giao chiến, tháp pháo của chiếc T-90 dường như bị bắn hỏng, bốc cháy và quay nhiều vòng trong trạng thái mất kiểm soát, còn xe tăng lao vào một gốc cây.

Chưa rõ tình trạng của kíp lái xe tăng sau trận giao chiến. Trận đánh này diễn ra ở Stepovoye, ngôi làng nằm sát thành phố Avdeevka ở tỉnh Donetsk.

Từ năm 2014, quân đội Ukraine đã xây dựng nhiều lô cốt, công sự, biến thành phố Avdeevka thành pháo đài sát thủ phủ Donetsk của tỉnh cùng tên.

Lực lượng Nga đang mở đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào Avdeevka và đã bao vây ba mặt thành phố, khiến Ukraine chỉ còn đường tiếp tế từ phía tây.

Giành được Avdeevka sẽ giúp quân đội Nga mở rộng thêm 50-60 km trên tiền tuyến, tạo nên cửa ngõ từ thủ phủ Donetsk đến các thành phố khác như Konstantinovka ở phía bắc, tiến gần hơn tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn tỉnh Donetsk.

Clip T-90M Nga trúng đòn phối hợp từ 2 chiếc M2 Bradley hôm 13/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ