Nghịch lý doanh nghiệp Việt

GD&TĐ - 45.776 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng năm 2017, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm 17.231 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 28.545 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. 

Nghịch lý doanh nghiệp Việt

Số DN “chết lâm sàng” tăng trong khi những chính sách phát triển khu vực tư nhân đang được thúc đẩy là điều mà các nhà quản lý cần quan tâm.

Trên 45.000 DN ngưng hoạt động

Theo Tổng cục Thống kê, số DN tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2017 đã tới 45.776 DN, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bao gồm 17.231 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,5% và 28.545 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 12%.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số DN “chết yểu” nhiều nhất; đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng, thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo... Nguyên nhân nào khiến “sức khỏe” của ba nhóm DN này bị yếu như vậy, chẳng hạn với DN ngành ô tô, xe máy? Điều này cũng dễ hiểu, bởi sức ép cạnh tranh khi thời điểm thuế suất ô tô giảm về 0% vào năm 2018 đã khiến các DN ngành này gặp nhiều áp lực lớn như giá thành cao, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, khả năng cạnh tranh và tỷ lệ nội địa hóa thấp, chất lượng xe có được cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu...

Chưa kể, những tháng đầu năm nay, các DN sản xuất, kinh doanh ô tô còn vấp phải khó khăn trong vấn đề thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy mới theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg, đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô nhất là đối với dòng xe khách, xe tải, xe chuyên dụng, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ.

Ngoài vấn đề khó khăn riêng của DN ngành ô tô, theo nhận định của giới chuyên gia, mấu chốt của tình trạng “chết yểu” là nhiều DN không thể lớn lên và phát triển mà ngày càng teo tóp vì khó khăn với nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, rồi dẫn đến tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

“Nút thắt” cần tháo

Đề cập đến những vấn đề các DN ngưng hoạt động và “chết lâm sàng”, các chuyên gia cho rằng do có những khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục phiền hà đối với các DN. Theo một cuộc khảo sát về thủ tục hành chính tại Việt Nam, vấn đề vẫn được cho là còn phức tạp, gây phiền hà cho DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, cho thấy: Thủ tục thuế được các DN đánh giá là phiền hà nhất (30%), sau đó là thủ tục về đất đai (25%), giải phóng mặt bằng (19%), bảo hiểm xã hội (25%).

Khi nói về khâu thủ tục, đại diện không ít DN “lắc đầu lè lưỡi” nói, khi chuẩn bị ra kinh doanh, sản xuất đã gặp không ít thủ tục loằng ngoằng nên có DN vừa mới thành lập đã tự chết. Bởi nếu có cố tình kéo dài thì DN làm cũng không đủ nuôi các thủ tục rườm rà và những cán bộ kém phẩm chất. Riêng về vấn đề tài chính, một trong những yếu tố sống còn của DN, việc tiếp cận vốn vay vẫn vô cùng khó khăn. Quá trình xin vay vốn tại ngân hàng còn đòi hỏi nhiều văn bản giấy tờ, đặc biệt các yêu cầu xây dựng và chứng minh hiệu quả của phương án, dự án sản xuất, kinh doanh, đang vượt quá khả năng của nhiều DN, nhất là DN nhỏ.

Theo ước tính, để tiếp cận vốn tín dụng, khoảng 45 – 65% số DN nhỏ cho rằng phải đối mặt phiền hà về thủ tục và bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, trong khi đó, tỷ lệ này ở các DN lớn chỉ ở mức 30 – 32%. Nếu tiếp cận tài chính là một “nút thắt” và trong điều kiện các yếu tố khác như nhau, nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ chịu tác động mạnh hơn các nhóm DN vừa và lớn do hạn chế về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, nên có nhiều DN siêu nhỏ và nhỏ đã phải chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa trong giảm chi phí cho DN, cả chính thức lẫn không chính thức trên cơ sở giải tỏa các “nút thắt” đầu tư hạ tầng, nợ xấu, tiếp cận vốn… Những việc này cần được tiến hành đồng bộ, đưa ra mục tiêu, cam kết rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện mới thực sự giúp DN không bị “chết lâm sàng” nhiều như hiện nay. Ngoài ra, để ngăn tình trạng “chết yểu” của nhiều DN, các chuyên gia khuyến nghị, cần cắt giảm mạnh hơn nữa các thủ tục và thời gian cấp phép liên quan đến giấy phép kinh doanh, đặc biệt là khởi sự kinh doanh.

Trong 8 tháng năm 2017, cả nước có 85.357 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 822,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% về số DN và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 19.154 DN quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên hơn 104,5 nghìn DN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ