Nghĩ về con từ “khu cách ly dập dịch”

GD&TĐ - Bài thơ Nghĩ về con từ “khu cách cách ly dập dịch” có lẽ là tác phẩm được viết trong hoàn cảnh nước ta và cả thế giới đang gồng mình chống dịch Covid-19 nguy hiểm chết người.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Khuya bệnh viện, “khu cách ly dập dịch”

Bệnh nhân dần vào giấc ngủ say sưa

Riêng có mẹ không thể nào chợp mắt

Phần lo trực luân canh, phần thương nhớ con thơ.

Con của mẹ còn chưa tròn tuổi

Mẹ phải đành cho thôi bú giữa chừng

Trận dịch Corona chẳng hẹn ngày

hẹn tháng

Nên mẹ đành… “cắt sữa”… nghĩ

mà thương.

Đã “cắt sữa”, con lại đành vắng mẹ

Ở với ông bà, gắng ngoan nhé con yêu

Chịu khó làm quen với sữa lon, sữa hộp

“Dũng cảm” lên con nhé, mẹ yêu nhiều.

Mẹ xông xáo nơi “khu cách li dập dịch”

Chẳng ngại hiểm nguy, không quản

bộn bề

Chỉ day dứt thương con giữa mùa

“đại dịch”

Mẹ theo cứu bao người, con đành phải “cách ly”!

Chợt thảng thốt

Sữa căng lên bầu vú

Thảng thốt từng cơn

Nỗi thương nhớ dồn lên

“Cách ly” mẹ, nhớ ngoan nhiều con nhé

Trong cuộc chiến chống dịch này… có cả công con!

Lê Anh Phong

Lời bình của Lê Thành Văn

Trong số các nhà thơ có nhiều cảm hứng đi sát với hiện thực, Lê Anh Phong có được cả hai phẩm tính đáng quý: Làm thơ thời sự về các đề tài nóng bỏng nhưng cảm xúc thật dạt dào, sâu lắng.

Chính nhờ cảm xúc chân thành bắt nguồn từ đời sống hiện thực nên thơ anh thường hay, không khô khan mà ngược lại làm người đọc có nhiều cái giật mình thảng thốt trước những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Bài thơ Nghĩ về con từ “khu cách cách ly dập dịch” có lẽ là tác phẩm được viết trong hoàn cảnh nước ta và cả thế giới đang gồng mình chống dịch Covid-19 nguy hiểm chết người. Nhờ đó, thi phẩm neo sâu vào lòng người đọc một cách tự nhiên, như quy luật của tình cảm từ trái tim đến với trái tim vậy.

Nhìn tổng thể bài thơ, Lê Anh Phong đã rất chú trọng giọng điệu tâm tình kể chuyện như là một phương thức nghệ thuật biểu đạt hiệu quả nhất thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm.

Vì vậy, ngay khổ thơ mở đầu, tác giả giới thiệu tuần tự không gian, thời gian và hoàn cảnh xa cách của hai mẹ con thật đặc biệt. Không gian nơi người mẹ làm việc là một bệnh viện, nhưng lại là “khu cách ly dập dịch”. Thời gian đã chuyển dần vào đêm khuya, khi những người bệnh cũng đã chìm dần vào “giấc ngủ say sưa”.

Thật tội nghiệp, trước không - thời gian đặc biệt ấy, người mẹ phải xa con thơ nên không sao chợp mắt được, phần vì lo cho ca trực luân canh, phần thương nhớ đứa con hãy còn nhỏ dại. Chỉ chừng ấy thôi, nhà thơ đã khéo léo khai mở hoàn cảnh khiến người đọc xúc động đến rưng rưng nước mắt.

Chính hiện thực đời sống đã tác động vào thơ làm cho thơ ca cất cánh thật tự nhiên và lưu dấu giữa hồn người:

Khuya bệnh viện, “khu cách ly dập dịch”

Bệnh nhân dần vào giấc ngủ say sưa

Riêng có mẹ không thể nào chợp mắt

Phần lo trực luân canh, phần thương nhớ con thơ.

Tình cảnh của người mẹ đáng thương đã đành, cảnh đứa con ở nhà gửi cho ông bà chăm sóc lại càng thêm xa xót.

Con thơ chưa tròn tuổi, bị cắt sữa giữa chừng, uống sữa lon, sữa hộp đâu đã quen, rồi dịch Covid-19 chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, mẹ còn phải túc trực với đồng nghiệp biết đến bao giờ… Một loạt hình ảnh được tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật liệt kê qua hai khổ thơ 2 và 3 khiến chúng ta không thể nén lòng thương cảm.

Bên cạnh đó, lời thơ tự nhiên và gần gũi, hình tượng thơ chân thật đã có sức lay động và gói ghém nhiều suy tư, trăn trở của tác giả lồng trong lời kể của nhân vật trữ tình người mẹ nơi tuyến đầu chống dịch nghe thật bùi ngùi. Chính sự dồn nén biết bao cảm xúc của người mẹ để rồi trào tuôn mãnh liệt niềm thương nỗi nhớ về con.

Cao quý hơn, người mẹ cũng biết thầm động viên con như nói với chính mình trong cuộc chiến khốc liệt này. Con cũng đã trở thành người “dũng cảm”, biết sẻ chia cùng mọi người để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng:

Đã “cắt sữa”, con lại đành vắng mẹ

Ở với ông bà, gắng ngoan nhé con yêu

Chịu khó làm quen với sữa lon, sữa hộp

“Dũng cảm” lên con nhé, mẹ yêu nhiều!

Động viên con và chính mình, người mẹ trong bài thơ đã xác định vị trí và nhiệm vụ cao cả của bản thân và đồng nghiệp. Mẹ phục vụ nơi “khu cách ly dập dịch” rất dễ bị lây nhiễm, trở thành nơi hiểm nguy nhất, vì mẹ còn phải cứu biết bao người nên đành “cách ly con”.

Chính sự cảm thông về những hi sinh và mất mát lớn lao nhưng lại ngời sáng vẻ đẹp nhân tâm “lương y như từ mẫu” nên hình tượng người mẹ làm nghề y trong bài thơ hiện lên đẹp đẽ và thiêng liêng qua lời thơ tự sự:

Mẹ xông xáo nơi “khu cách li dập dịch”

Chẳng ngại hiểm nguy, không quản

bộn bề

Chỉ day dứt thương con giữa mùa

đại dịch

Mẹ theo cứu bao người, con đành phải “cách ly”

Bài thơ khép lại thật ấn tượng qua nỗi niềm thảng thốt khi dòng sữa căng lên bầu vú của người mẹ nhưng ta lại nghe sự dịu êm của một tấm lòng thương yêu rộng lớn, không chỉ với đứa con thơ dại mà có cả sự sớt chia cùng đồng loại đang khổ lụy trước bệnh tình.

Đặc biệt, tứ thơ bật sáng ở cuối bài nhờ cả “chiến công” của em bé khi phải chịu “cách ly” mẹ mình suốt tháng ngày chống dịch. Đẹp biết bao vẻ đẹp nhân tâm ngời sáng thiêng liêng tỏa ra từ người phụ nữ bình dị này:

Chợt thảng thốt

Sữa căng lên bầu vú

Thảng thốt từng cơn

Nỗi thương nhớ dồn lên

“Cách ly” mẹ, nhớ ngoan nhiều con nhé

Trong cuộc chiến chống dịch này… có cả công con!

Bài thơ Nghĩ về con từ “khu cách ly dập dịch” của nhà thơ Lê Anh Phong khép lại, nhưng mỗi người vẫn nghe ân tình thảo thơm tỏa ra từ một tấm lòng nghĩa nhân sâu sắc. Có lẽ, chính sự đồng cảm, yêu thương và biết hướng đến đời sống nhân dân trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” này mà tác giả có được niềm rung cảm nhân văn mãnh liệt.

Vì thế, hình tượng người mẹ trong bài thơ mãi mãi là ánh sáng đẹp đẽ, diệu kỳ, tiêu biểu cho phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống đương đại, nhất là những ngày chống dịch Covid-19 đang diễn ra trên đất nước ta.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.