Trong khoảng thời gian dài như vậy, việc học tập ra sao cho hợp lý và khoa học là điều được nhà trường, thầy cô, phụ huynh… quan tâm, cân nhắc.
Gác bút, sách… để nghỉ Tết
Cô Nguyễn Thanh Ngọc, Tổ trưởng khối 4 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: Học sinh Hà Nội nghỉ Tết 9 ngày. Số ngày nghỉ Tết tương đối dài, tuy nhiên theo quy định của ngành Giáo dục Hà Nội sẽ không giao bài về nhà. Do đó, thời gian trước Tết giáo viên sẽ cố gắng hoàn thành theo chương trình, giúp học sinh nắm chắc kiến thức trong quá trình học tập cận Tết. Như vậy, khi bước vào kỳ nghỉ Tết các em sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn, không còn áp lực học tập.
Cô Ngọc bày tỏ: Không giao bài trong dịp Tết hoàn toàn hợp lý bởi nhiều gia đình học sinh sẽ về quê đón Tết, mất thời gian di chuyển và phải thực hiện cách ly… nên cũng không có thời gian nhiều để các em nghỉ ngơi. Nếu giao bài ôn tập, các em sẽ bị đè nặng áp lực học tập, không được vui chơi nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Chị Nguyễn Thanh Hà, phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), bày tỏ: Con vừa bước qua kỳ thi cuối cấp vào lớp 10 nên việc học thời điểm này không nên dồn ép. Tạo tâm lý thoải mái, được nghỉ ngơi hoàn toàn những ngày Tết cũng giúp các con được thư giãn và biến đây thành cơ hội học những kỹ năng sống mà quanh năm các con bận học không có thời gian để thực hành.
Với chị Hà, việc học kiến thức của học sinh quan trọng nhưng cần phù hợp, khoa học mới đạt hiệu quả. Do đó, chị mong muốn các con được nghỉ Tết hoàn toàn không bài vở, không áp lực học tập. Như vậy, học sinh sẽ có một cái Tết trọn vẹn sau 1 học kỳ học tập.
Không dồn ép học tập
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), trao đổi: Việc học diễn ra cả đời, do đó xây dựng cho trẻ thói quen chủ động, tự giác học tập mới quan trọng. Không nhất định phải học tập trong những ngày nghỉ Tết thì học sinh mới học tốt, thay đổi được cuộc sống...
Trường hợp bố mẹ lo lắng khi con đang ở lớp cuối cấp, học sinh lớp nhỏ nhanh quên kiến thức và có nhu cầu củng cố kiến thức trong đợt nghỉ dài cũng nên triển khai một cách tự nhiên thông qua các trò chơi, phong tục ý nghĩa dịp Tết như khai bút đầu xuân, giải ô chữ, xin chữ, gói bánh chưng… Học sinh có thể học qua các phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật dân gian rất nhiều điều…
Với học sinh tiểu học, THCS, nghỉ dịp Tết hoàn toàn không áp lực học tập là điều nhà trường, thầy cô đều mong muốn và thực hiện. Song với học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp, thi vào 10… bố mẹ và học sinh có xu hướng lo lắng và chủ động nhờ giáo viên giao một số bài tập với lượng kiến thức nhất định để tự củng cố trong khoảng thời gian dài được nghỉ Tết.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) cho rằng, hiện tượng đó cũng là điều dễ hiểu. Cô Hạnh đưa ra lời khuyên với học sinh lớp 10, 11 thì không nên giao bài ôn tập dịp Tết, cần để các em được nghỉ một cách thoải mái để cảm nhận hương vị ngày Tết.
Với học sinh khối 12 chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên có thể lọc ra một số chuyên đề quan trọng liên quan đến các kỳ thi để học sinh có thể ôn tập một cách nhẹ nhàng…
Tuy vậy, cần giúp phụ huynh và học sinh hiểu rằng, việc củng cố ôn tập kiến thức trong thời gian nghỉ Tết cần có kế hoạch hợp lý. Có thể ôn tập khi vừa được nghỉ Tết tại trường và sát ngày trở lại trường. Những ngày chính Tết nên nghỉ hoàn toàn để thư giãn và đón Tết vui vẻ. Không nên tạo áp lực học tập trong những ngày Tết sẽ khiến việc học thêm căng thẳng và không có thời gian thư giãn đúng nghĩa…