Học sinh nghỉ Tết: Vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục

Học sinh nghỉ Tết: Vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục

Quản con ngày Tết

Ngày 25/10, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đã ký Công văn số 4544/TB-LĐTBXH thông báo về việc nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo đó, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người lao động, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ 7 ngày từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết ngày thứ Tư 29/1/2020.

Tuy nhiên, do ngày 25/1 và 26/1/2020 (tức mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật nên công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày 28 và 29/1/2020 (tức mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán).

Tại một số địa phương, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của HS bậc TH, THCS có số tăng nhiều hơn. HS được nghỉ có khi dao động từ 10 - 15 ngày.

Như vậy, có tình trạng bố mẹ có số ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít hơn con cái (khoảng từ 5 - 7 ngày). Và có ý kiến cho rằng, sẽ bất cập trong việc trông trẻ bởi bố mẹ nghỉ sau và đi làm trước so với lịch nghỉ Tết của con.

Trao đổi về vấn đề này, cô Tô Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn - Đông Anh (Hà Nội) cho biết: Hiện tại trường vẫn chưa nhận được kế hoach nghỉ Tết cụ thể từ Phòng GD&ĐT. Nhưng như Tết Nguyên đán năm trước thì CB, GV và HS toàn trường có 9 ngày nghỉ.

Theo quan điểm của cô Tô Thị Bích Liên, 9 - 10 ngày nghỉ Tết không quá nhiều so với xu hướng hiện nay của các gia đình HS là hay đi du lịch. Như vậy, các gia đình sẽ thoải mái hơn về mặt thời gian để vừa chuẩn bị đón Tết vừa có thể đi du lịch.

Mặt khác, theo cô Liên việc xây dựng kế hoạch nghỉ Tết đã có sự tính toán, nghiên cứu trước từ các ban ngành, các cấp… sao cho hợp lý nhất nên cơ bản không bị ảnh hưởng đến kế hoạch, chương trình và thời gian dạy học trong năm học. Hơn nữa, nghỉ Tết thì GV vẫn giao bài tập nên HS cũng không phải được nghỉ Tết hoàn toàn trong 10 ngày theo thông báo chung...

Nói về vấn đề quản lý trẻ trong thời gian chênh lệch nghỉ Tết giữa bố mẹ và con, chị Nguyễn Thanh Hà (Chùa Bộc – Hà Nội) cho rằng: Việc quản lý trẻ thêm một vài ngày với các gia đình hoàn toàn có thể khắc phục được mà không cần nhờ tới nhà trường. “Các con đã đi học gần quanh năm, thời gian nghỉ thêm vài ngày dịp Tết (so với bố mẹ) cũng cần thiết để trẻ được quây quần bên gia đình, anh em, họ hàng. Từ đó giúp các con cảm nhận hết sự đầm ấm sum vầy, văn hóa phong tục cổ truyền ngày Tết dân tộc. Các em có thể phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó vào đời sống hàng ngày…

Giáo viên vùng cao hào hứng

Theo cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Simacai, huyện Simacai (Lào Cai): Việc nghỉ Tết từ 10 - 16 ngày đối với GV và HS vùng cao là hợp lý và không lo vấn đề nghỉ lâu HS không theo kịp chương trình, thời lượng dạy học không bảo đảm. HS vùng cao đã nhập học sớm hơn dưới xuôi từ 7 - 10 ngày. Như vậy có thể bù đắp số thời gian nghỉ Tết vượt hơn vài ngày.

Cô Hường cũng cho biết thêm, sau Tết những lễ hội ở các địa phương nói chung và huyện Simacai nói riêng thường bắt đầu từ mùng 3, 4, 5, 6 (âm lịch). Nếu HS vùng cao nghỉ Tết ít hơn và đi học sớm sẽ khó tránh được tình trạng nghỉ học để tham gia lễ hội theo phong tục, tập quán. Việc duy trì tỉ lệ chuyên cần của HS vùng cao ở các nhà trường dù cố gắng đến mấy cũng vất vả, khó khăn.

Theo cô Bùi Thị Hường: Đa phần GV đang dạy ở vùng cao là người vùng xuôi lên công tác. Tỉ lệ GV là người vùng cao dạy học còn ít. Như vậy nếu nghỉ 7 ngày theo quy định chung thì quá ít để GV có thể bố trí được thời gian về quê nội, ngoại đón Tết. Đường sá xa xôi cách trở, tàu xe ngày Tết đi lại khó khăn.

Cô Hường khẳng định, với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán hợp lý như hiện tại, cộng với chính sách cho HS bán trú thì việc vận động HS quay trở lại trường lớp bảo đảm. Tỉ lệ chuyên cần của HS sau Tết tại Trường PTDTB TH Simacai thường đạt tới 98 - 99%.

Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Mậu Long xã Mậu Long – huyện Yên Minh (Hà Giang) cũng khẳng định, số ngày nghỉ Tết từ 10 - 15 ngày là hợp lý với GV và HS. Như vậy, GV vùng cao (phần lớn từ Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình…) lên công tác sẽ đỡ vất vả hơn trong việc di chuyển về quê đón Tết và quay trở lại trường. Nếu lịch nghỉ chỉ trong 7 ngày theo quy định chung thì nhiều GV không thể thu xếp được lịch về quê đón Tết.

Mặt khác, số ngày nghỉ cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch học tập bởi HS vùng cao đã nhập học sớm trước 1 - 2 tuần so với HS dưới xuôi.

Dưới góc độ người quản lý, bà Nguyễn Thị Minh Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương (Lào Cai) khẳng định: Với lịch nghỉ Tết từ 10 - 15 ngày không ảnh hưởng đến chất lượng và thời lượng học tập chung của HS Mường Khương. Trên thực tế đã có tuần học dôi dư bù lấp, cộng thêm số ngày quy định cho nghỉ đông của HS vẫn chưa sử dụng năm nay.

“HS đi học sớm quá thì tỉ lệ chuyên cần không cao. Tại Mường Khương, lễ hội Gầu tào diễn ra từ mùng 3 Tết. Nên HS, GV được nghỉ Tết Nguyên Đán 10 - 15 ngày cũng là phù hợp. Đó là chưa nói tới việc, GV vùng cao gần như mỗi năm chỉ được nghỉ vào 2 dịp hè và Tết để về quê. Như vậy, nghỉ Tết khoảng 10 - 15 ngày cần thiết để kịp di chuyển từ trường về quê và trở lại trường mà không quá gấp gáp…”.
                                                                 Bà Nguyễn Thị Minh Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động