Nghị sĩ Nga phản ứng gắt với lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Nghị sĩ Nga Mikhail Sheremet, lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO về việc dỡ bỏ một số hạn chế đối với các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga là điên rồ.

Tổng thư Ký NATO Stoltenberg (Ảnh: Global Look Press)
Tổng thư Ký NATO Stoltenberg (Ảnh: Global Look Press)

Ngày 25/5, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Mikhail Sheremet cho rằng lời kêu gọi của Tổng thư Ký NATO Stoltenberg được đưa ra bởi sự điên rồ của chiến tranh và mong muốn làm hại Nga mà không nghĩ đến những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với người dân các nước phương Tây.

Ông Sheremet nhấn mạnh Tổng thư ký NATO đang làm mọi cách để khiến xung đột ở Ukraine ngày càng trầm trọng hơn, đồng thời biến châu Âu "thành một thùng thuốc súng".

Trước đó cùng ngày, có thông tin cho rằng ông Stoltenberg kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế tấn công bằng vũ khí phương Tây vào các mục tiêu của Nga.

Đồng thời, ông bác bỏ ý kiến cho rằng các nước thành viên NATO nên bắn hạ tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine bằng hệ thống phòng không của họ.

Đại diện chính quyền Crimea Zaur Smirnov lưu ý, lời kêu gọi dỡ bỏ hạn chế tấn công trên lãnh thổ Nga của ông Stoltenberg không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm đe dọa Nga.

Trong một diễn biến khác, ngày 25/5, trên tờ báo Đức Welt am Sonntag, ông Stoltenberg nói rằng NATO sẽ không sử dụng hệ thống phòng không của mình để hỗ trợ trực tiếp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU).

Ông nhấn mạnh NATO sẽ hỗ trợ Kiev, nhưng "sẽ không trở thành một bên trong cuộc xung đột".

Ông cũng lưu ý rằng NATO sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc điều phối hỗ trợ cho an ninh và huấn luyện của Ukraine. Theo Tổng thư ký, điều này đòi hỏi nghĩa vụ tài chính lâu dài.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải gửi thêm vũ khí và đạn dược tới Ukraine, gồm hệ thống tên lửa phòng không và vũ khí tầm xa”.

Stoltenberg cũng chỉ ra các đồng minh nên có kế hoạch bổ sung kho quân sự của mình và tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược.

Ngày 24/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết vũ khí Mỹ đã được Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng bên ngoài khu vực chiến sự như cơ sở hạ tầng dân sự cũng như các khu dân cư.

Ngày 22/5, một nhóm nghị sĩ Mỹ yêu cầu Lầu Năm Góc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho rằng những tuyên bố hiếu chiến về việc cho phép Kiev bắn sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ đang cố tình làm gia tăng mức độ leo thang ở Ukraine, đây là quan điểm hoàn toàn vô trách nhiệm.

Ngược lại, hôm 20/5, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken lưu ý nước này không khuyến khích sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga nhưng Kiev phải tự quyết định hành động của mình.

Các nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev trong bối cảnh hoạt động đặc biệt của Liên bang Nga nhằm bảo vệ Donbass.

Hoạt động đặc biệt trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố ngày 24/2/2022 sau khi tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn, được cho là do quân đội Ukraine pháo kích.

Theo IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ