Nghi lễ chầu văn trước ngưỡng cửa Unesco

GD&TĐ - Chỉ còn ít tháng nữa, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” sẽ chính thức được UNESCO xem xét công nhận trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (tháng 12/2016). 

Nghi lễ chầu văn trước ngưỡng cửa Unesco

Thế nhưng khác với những hồ sơ đệ trình khác, tín ngưỡng thờ Mẫu khiến giới khoa học khá lo lắng bởi vẫn còn những quan điểm khác nhau về di sản này.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Thời gian vừa qua, để hầu đồng đến gần hơn với khán giả, nhiều chương trình biểu diễn hầu đồng đã được đưa lên sân khấu. Trong 6 tháng trình diễn, vở diễn “Tứ phủ” - lấy cảm hứng từ nghi lễ “hầu đồng” trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã vinh dự đón tiếp rất nhiều vị Đại sứ, tùy viên văn hóa: Pháp, Italia, Ba Lan, Hungary, Canada, Unicef…. cùng hàng nghìn lượt khán giả trong nước, và mọi vùng quốc gia trên thế giới đến thưởng thức văn hóa. Điều đó cho thấy hầu đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng công chúng.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, tín ngưỡng thờ Mẫu do cộng đồng người Việt sáng tạo từ lâu đời, là sản phẩm của tư duy, nhận thức về tự nhiên và xã hội của cư dân nông nghiệp lúa nước với điều kiện sống và môi trường tự nhiên xung quanh. Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc.

Đó là tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người tài giỏi có công với dân, với nước, trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3/2014, Việt Nam đã chính thức đệ trình UNESCO hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” xét đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiêp Quốc (UNESCO) đã lùi hồ sơ xét duyệt sang năm 2016.

Cho tới thời điểm này, thời gian xem xét công nhận đang tới gần, thế nhưng vẫn khá nhiều tranh cãi của ranh giới giá trị di sản và mê tín dị đoan. Trước đây, có nhiều người vẫn hiểu sai rằng hầu đồng là mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, cầu phúc cầu lộc của những người buôn bán.

Xây dựng ngôn ngữ đồng thuận

Mỗi năm, UNESCO sẽ nhận khoảng 50 hồ sơ nộp lên và duyệt khoảng 35 hồ sơ, tức là 30 - 40% bị loại. Mặc dù đơn vị lập hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” vẫn dành những hy vọng di sản này sẽ được UNESCO công nhận, song các thành viên Hội đồng UNESCO thường rất cẩn trọng với những di sản còn tranh cãi.

PGS Trần Lâm Biền, (chuyên gia Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL) cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng ngôn ngữ đồng thuận. Trước đây, người ta vẫn có ác cảm, vẫn hiểu sai rằng hầu đồng là mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, cầu phúc cầu lộc của những người buôn bán. Người dân cần hiểu tín ngưỡng này hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Đây là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt.

Hiện nay, mỗi hồ sơ khi đệ trình chỉ được giải thích trong mấy ngàn chữ. Mà trong từng ấy chữ, không thể nào giải thích hết được cái hay, cái đẹp của di sản. Để các chuyên gia hiểu đúng, hiểu đủ về di sản là vấn đề khó khăn nhất. Theo nhà nghiên cứu di sản, cần cơ quan quản lý có các hình thức xử phạt, cưỡng chế với những hành vi mê tín dị đoan.

Đại sứ văn hóa Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, “nếu được UNESCO vinh danh thì nó sẽ khẳng định tính đúng đắn của hồ sơ này và sẽ đánh bạt đi mọi nghi ngờ không tốt. Vì UNESCO là trọng tài, là tòa án về văn hóa. Họ sẽ xét xem có xứng đáng hay không, có vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế hay không. Nếu mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh thì sẽ bị họ bác ngay”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ