Hai bên đường vào Đàn tế, dưới hàng thông xanh mướt, con dân vẫn chen chúc, vẫn háo hức để chiêm ngưỡng những nghi lễ mang khát vọng cầu mong thiên hạ thái bình. Bởi, mong ước đó vốn là tâm nguyện không chỉ riêng với người dân Cố đô.
Năm nay, lễ rước Hoàng Đế lên Đàn im ắng hơn, không có tiếng chiêng, trống, không có voi, ngựa, bính lính tiền hô, hậu ủng vang vọng. Ánh sáng vàng phủ lên 3 tầng của Đàn tế, những ánh đèn chiếu chụm lại trên bầu trời đêm huyền ảo trông như luồng linh khí tụ về, hầu chứng cho lòng thành cầu quốc thái dân an.
Với 1.000 người tham gia, đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn cùng 1.000 chiếc đèn lồng thắp sáng quanh Đàn tế, và 1.000 bông sen trắng được dâng trên các án thờ... Con số 1.000 đặc biệt này nhằm hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Để lễ tế gần với nguyên bản hơn về những điểm nhấn quan trọng như: đàn tế, đoàn ngự đạo, voi, ngựa, kiệu rước, trang phục,... đến những chi tiết nhỏ nhất như đồ vàng mã, chiếc khay hay chậu đồng để vua rửa tay trước khi hành lễ,... đều được BTC Festival Huế 2010 chú tâm. 160 bô lão đến từ 8 làng, xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu của Thừa Thiên Huế, đại diện cho nhân dân cả nước trực tiếp trình diễn phần nghi lễ tế cúng tại 8 án thờ các vị Thần linh đặt tại Phương Đàn (tầng 2) làm cho nghi lễ chức trang nghiêm, hoành tráng và chân xác hơn.
Ngoài ý nghĩa là một nghi thức quan trọng cầu quốc thái dân an, Lễ tế Giao còn là khoảng lặng trong tâm thức để con dân nước Việt cùng chiêm nghiệm, cùng hướng đến những ước vọng thanh cao hơn, bác ái hơn. Và đây cũng là dịp để Huế quảng bá sâu rộng hơn nữa những tinh túy về văn hoá, truyền thống của vùng đất Cố đô.
Bài, ảnh: Hương Lan