Nghỉ học ngày thứ 7 - thận trọng từng bước

GD&TĐ - Gần đây, một số tỉnh thành triển khai cho học sinh cấp trung học nghỉ học ngày thứ 7 như: Lào Cai, Lai Châu, Khánh Hoà, Hà Tĩnh.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trước đó, cuối năm 2023, Nghệ An từng lấy ý kiến nhà giáo, nhà quản lý về chính sách tương tự. Xung quanh việc này dư luận có khá nhiều ý kiến trái chiều.

Số ủng hộ cho rằng nghỉ học ngày thứ 7 là cần thiết, để học sinh được giảm tải, nghỉ ngơi trọn vẹn hai ngày cuối tuần cùng gia đình. Số khác thì phản ứng với lý do nếu nghỉ ngày thứ 7, học sinh chỉ 5 ngày học/tuần nhưng mỗi ngày có thể phải tăng tiết, cũng không thể gọi giảm áp lực. Đó là chưa kể nếu được nghỉ học thứ 7, rất có thể các em sẽ phải đi học thêm, gia đình thêm nặng gánh.

Một số ý kiến đề xuất nên cho nghỉ học thứ 7, thay vào đó có thể giảm thời gian nghỉ hè (3 tháng thành 2 tháng); hoặc ngày thứ 7 học sinh vẫn đến trường nhưng thay vì học chính khóa, các em tham gia hoạt động ngoại khóa…

Thực ra, việc cho học sinh cấp trung học nghỉ học ngày thứ 7 không phải là chuyện mới. Một số trường tư thục, chất lượng cao ở Hà Nội, TPHCM có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên mạnh, đã thực hiện việc này từ lâu.

Học sinh nghỉ ngày thứ 7 trùng với lịch nghỉ ngơi sinh hoạt của gia đình, là điều tốt, cần khuyến khích. Thế nhưng thực tế điều kiện và hoạt động ngành Giáo dục hiện có những đặc thù, không phải tất cả đều áp dụng được.

Từ năm 1999, khi Chính phủ quy định chế độ làm việc 40 giờ, Thông tư 36/1999/TT-BGD đã nhấn mạnh: Ngành Giáo dục thực hiện chế độ tuần làm việc theo quy định của Chính phủ, nhưng do đặc điểm lao động sư phạm và các điều kiện thực tế khác, việc thực hiện chế độ làm việc trong 5 ngày, nghỉ thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần chưa thể tiến hành đồng loạt. Cần làm từng bước, có phương án riêng cho từng cấp, bậc học, tính tới điều kiện cụ thể của địa phương, trường cao đẳng và đại học.

Điều kiện tổ chức dạy học của các nhà trường ở địa phương hiện không giống nhau, có nơi dạy học 2 buổi/ngày nhưng nhiều nơi vẫn duy trì học 1 buổi/ngày ở cấp trung học. Theo Chương trình GDPT 2018, số tiết học trung bình một tuần với THCS và THPT là 29 - 29,5, chưa gồm các môn tự chọn.

Hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi/ngày với cấp trung học của Bộ lưu ý nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với cấp THCS, 5 tiết với THPT; buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp. Số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT 48.

Như vậy, chiếu theo quy định về thời lượng thực hiện chương trình, chỉ những trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày mới có thể xem xét triển khai nghỉ học ngày thứ 7, còn trường dạy 1 buổi/ngày khó thể chạy hết chương trình trong 5 buổi/tuần, mỗi buổi tối đa 5 tiết.

Ngay cả những trường đã tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở các đô thị lớn, việc điều phối phòng học, sắp xếp thời khóa biểu cũng rất khó khăn. Để có thể dạy học 2 buổi/ngày, nhiều trường phải cơi nới cải tạo phòng học, áp dụng mô hình lớp học “động” (một phòng học có thể 2 - 3 lớp học)…, nhưng vẫn cần một buổi ngày thứ 7 mới giải quyết được chương trình.

Cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7 là việc đáng thực hiện, song trong điều kiện trường lớp, đội ngũ hiện nay, mô hình này chưa thể áp dụng đại trà, thực hiện một cách duy ý chí. Áp dụng chính sách này ở cấp trung học cần xem xét kỹ lưỡng, thực hiện linh hoạt, dựa trên điều kiện thực tiễn và do nhà trường, địa phương quyết định.

Về lâu dài, cần phấn đấu sao cho các trường đều đảm bảo về cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ, đủ điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức học 5 ngày/tuần, để mọi học sinh đều được nghỉ ngày thứ 7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.