Nghỉ hè… ở trường

GD&TĐ - Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đã vận động kinh phí để giữ chân HS ở lại trường...

Tiết học trong chương trình lớp học vùng cao Ươm mầm xanh Ca Dong của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam.
Tiết học trong chương trình lớp học vùng cao Ươm mầm xanh Ca Dong của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn của nhà hảo tâm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) đã tổ chức khóa học củng cố, hệ thống lại kiến thức bị “hổng” 3 môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh cho cho 70 học sinh khối tiểu học.

Lớp nội trú… hè

Ấp ủ mở lớp học hè cho một số học sinh bị hổng kiến thức, tiếp thu chậm, có học lực yếu, kém ở bậc tiểu học, thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đã vận động kinh phí để giữ chân học sinh ở lại trường.

“Muốn phụ huynh đồng thuận đưa con xuống trường học hè phải để các em ở lại trường và được lo chuyện ăn, nghỉ. Nhưng trong hè, học sinh không có chế độ hỗ trợ tiền ăn. Khó khăn khác, học sinh nhỏ tuổi phải đi bộ quãng đường xa mới tới trường nên cần có đại diện phụ huynh đưa đi học rồi cùng ở lại cùng 3 ngày để đưa về. Nhà trường sẽ phải lo luôn kinh phí ăn uống của phụ huynh...” – thầy Chín làm phép tính.

Với mức hỗ trợ tiền ăn 1 triệu/ngày, dự kiến, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam tổ chức khóa phụ đạo hè cho khoảng 100 học sinh từ lớp 1 - 5. Mỗi tuần, các em học từ thứ 2 đến thứ 4 với 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Lớp học sẽ kéo dài trong tháng 7 và 8, giúp học sinh ôn tập, củng cố lại kiến thức cũ, không dạy bài mới.

“Thường sau 3 tháng hè, học sinh tiểu học khi quay trở lại trường đều mất một khoảng thời gian mới bắt nhịp lại được. Nhiều em lớp 1 - 2 thậm chí còn quên mặt chữ, đọc và viết chậm hơn. Giáo viên rất vất vả trong việc giúp học sinh ôn lại kiến thức, củng cố khả năng đọc, viết để kịp dạy bài mới” - thầy Chín kể.

Trong khi Nguyễn Công Anh (chuẩn bị vào lớp 1) đang trong giờ học, bà Hồ Thị Dương cùng 3 phụ nữ khác tất bật ở bếp chuẩn bị bữa ăn trưa. Tuần đầu đến lớp, mẹ của Anh dẫn hai bà cháu xuống trường rồi gửi lại cho thầy cô để quay về đi rừng. “Nhà tui ở nóc Tak Vinh, 2 bà cháu đi bộ 2,5 tiếng thì xuống đến trường. Cháu chuẩn bị vào lớp 1, nếu ở nhà thì tui cũng cho đi chơi. Xuống trường, thầy cô dạy cách đọc, tập viết, nói thành thạo tiếng phổ thông, mà còn được lo ăn, ở. Thế nên hai bà cháu đi thôi” - bà Dương cho biết.

Nóc Tak Vinh có 3 học sinh đi học hè như Anh, bà Dương nhận nhiệm vụ dẫn các cháu xuống trường, phụ giúp công việc nhà bếp, vệ sinh khu nội trú rồi dẫn các cháu về lại nóc vào chiều thứ 4.

Bà Hồ Thị Dương chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh tham gia lớp học hè tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam

Bà Hồ Thị Dương chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh tham gia lớp học hè tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam

Chạy đà cho năm học mới

Khóa học phụ đạo hè của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam do chi đoàn, giáo viên đảm nhận với 5 thầy cô. Đây là những giáo viên hợp đồng mới của trường. “Để giữ chân giáo viên hợp đồng, nhà trường đã trả lương cả trong dịp hè. Những thầy cô này thuộc diện mới hoặc đào tạo trái nghề. Vì vậy, ban giám hiệu vận động các thầy cô dạy phụ đạo hè cho học sinh. Đây được xem như cơ hội để giáo viên bồi dưỡng thêm chuyên môn” – thầy Chín cho biết.

Cô Hồ Thị Hồng đảm nhận dạy lớp tiền tiểu học cho 17 học sinh làm quen với chương trình lớp 1. “Các em đều mới chuyển từ mầm non lên nên nhiều điều bỡ ngỡ. Có em rụt rè và chưa nhớ được bảng chữ cái. Điều thuận lợi nhất là mình thuộc người địa phương nên khi các em giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ có thể hiểu được. Sau đó, sẽ tập dần cho các em phát âm bằng tiếng Việt cho rõ chữ, tập nói cả câu dài để thích ứng nhanh với chương trình” – cô Hồng cho biết.

Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngữ văn, cô Hồng bắt đầu dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My). Cô Hồng kể, khi mới ký hợp đồng, tháng đầu tiên, cô chỉ có một việc là dự giờ các tiết dạy của thầy cô bậc Tiểu học. “Một tháng “học việc”, tôi vừa dự giờ, ghi chép các bước lên lớp, mượn giáo án của các thầy cô để so sánh với giờ dạy thực tế, học cách giảng bài, ghi bảng, chấm bài, nhận xét...”. Sau một tháng chỉ dự giờ và tự học các mô-đun bồi dưỡng giáo viên của Chương trình GDPT 2018 qua tài khoản nhà trường cho mượn, cô Hồng chính thức được phân công dạy học lớp 3.

Với khóa học phụ đạo hè, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đều góp ý chi tiết kế hoạch lên lớp, dự giờ thăm lớp… “Đây cũng là hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trẻ từ thảo luận kế hoạch soạn giảng, các bước lên lớp, cách tổ chức hoạt động dạy học, kinh nghiệm để giáo viên dạy học theo hướng phân hóa… Từ đây, giáo viên sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình – sách giáo khoa”, thầy Võ Đăng Chín chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ