Nghề tuyển dụng nhân sự: Cập nhật để phù hợp với thời đại

GD&TĐ - Để doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và bền vững thì việc sở hữu nhân viên tài năng, phù hợp là yếu tố không thể thiếu.

Việc thay đổi công nghệ trong quá trình tuyển dụng giúp doanh nghiệp mở rộng hơn nguồn ứng viên ứng tuyển.
Việc thay đổi công nghệ trong quá trình tuyển dụng giúp doanh nghiệp mở rộng hơn nguồn ứng viên ứng tuyển.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường lao động đầy biến động và cạnh tranh như hiện nay, việc tìm kiếm nhân sự chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc tốn không ít thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Vậy các nhà tuyển dụng cần làm gì để chiêu mộ nhân sự mới đồng thời giữ vững nguồn nhân lực hiện tại.

Nắm bắt “điểm chạm” của ứng viên

Theo thống kê từ Navigos Group (công ty tư vấn nguồn nhân lực tại Việt Nam), 60% người tìm việc đã lựa chọn mức lương, chế độ phúc lợi là yếu tố quan trọng khi họ tìm hiểu về vị trí đang tuyển dụng. Thực tế cho thấy, người lao động tìm việc sẽ dễ dàng bị thu hút bởi những thông tin như lương, thưởng, bảo hiểm, nghỉ phép và chương trình đào tạo phát triển. Những yếu tố này càng thể hiện rõ ràng, họ sẽ càng nhanh chóng đưa ra quyết định liệu có nên ứng tuyển hay không.

Chị Nguyễn Thị Minh Anh (27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mức lương khởi điểm và phạm vi lương là thông tin quan trọng nhất khi chị xem xét một cơ hội việc làm. Chị Minh Anh giải thích, mong muốn có mức thu nhập ổn định là mong muốn hết sức chính đáng của người lao động.

“Trong trường hợp, cùng một công việc nhưng công ty A trả lương 7 triệu đồng, công ty B trả lương 10 triệu đồng. Chưa xét đến khối lượng công việc hay thời gian làm việc, chúng tôi sẽ phải đặt ra câu hỏi về sự đánh giá của công ty đối với giá trị của vị trí tuyển dụng”, nữ nhân viên văn phòng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng (42 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nhà tuyển dụng có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cho biết, người lao động cũng đặc biệt quan tâm và mong muốn tìm hiểu chi tiết về các gói phúc lợi đi kèm với công việc. Cụ thể là bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ phép, các chương trình đào tạo và phát triển, và những ưu đãi khác như làm việc linh hoạt,...

“Các gói phúc lợi không chỉ là yếu tố cạnh tranh mà còn thể hiện sự quan tâm của công ty đến sức khỏe và sự cân bằng cuộc sống của nhân viên. Vì vậy hơn ai hết, nhà tuyển dụng - người trực tiếp làm việc với ứng viên, cần nắm rõ các gói phúc lợi này để giải thích trong trường hợp họ có thắc mắc. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng còn phải kết hợp cùng với các phòng ban đề xuất chỉnh sửa nếu cảm thấy có bất cập”, bà Phượng giải thích.

Theo số liệu thống kê từ cuộc khảo sát do Anphabe thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8/2023 với 36.790 người đi làm trên toàn quốc, 36% số người cho biết họ chú trọng vấn đề tầm nhìn, chiến lược, giá trị cốt lõi của công ty.

Những con số này chứng minh các ứng viên trong thời đại ngày nay không chỉ tìm kiếm một công việc với thu nhập tốt mà còn muốn tham gia vào những công ty, doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng và mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, nhà tuyển dụng cũng cần truyền đạt rõ ràng những thông tin này trong quá trình tuyển dụng nhằm thu hút những ứng viên có định hướng phù hợp với sứ mệnh của công ty.

Đa dạng hóa kênh tuyển dụng

Ông Bùi Đức Văn (56 tuổi, quận Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khoảng 30 năm về trước, khi Internet và các trang mạng xã hội chưa phát triển vượt bậc như ngày nay, ông Văn và những người đồng trang lứa thường tìm kiếm công việc dựa trên mối quan hệ cá nhân.

“Thời đó nếu ai không có mối quan hệ xã hội rộng mở, chưa tìm được việc làm thì sẽ thường xuyên đọc báo, tìm và cắt những mẩu tin tuyển dụng để tiện theo dõi, lựa chọn”, ông Văn nhớ lại thời kỳ còn “ngụp lặn” trong mớ thông tin đa chiều từ nhiều trang báo khác nhau.

Còn trong thời đại số hoá hiện nay, người lao động có xu hướng tìm đến nhiều kênh thông tin khác nhau để tìm ra công việc mới phù hợp cho mình. Kết luận này dựa trên báo cáo thị trường tuyển dụng 2023 - 2024 của TopCV Việt Nam thông qua khảo sát 1500 người lao động.

Nhiều người trong khảo sát đã chọn các nền tảng tuyển dụng trên mạng, chiếm đến 80,59% lựa chọn. Bà Bích Phượng giải thích, đây là hình thức đăng tin trên các sàn tuyển dụng có sẵn và doanh nghiệp phải trả phí để được đăng tuyển (hay còn gọi là đăng tuyển trực tuyến).

Kênh tuyển dụng khá hiệu quả với các vị trí nhân viên, chuyên viên hay cộng tác viên, rất phù hợp khi tuyển dụng với số lượng lớn. Một số sàn thương hiệu tuyển dụng có lượt truy cập đông đảo tại Việt Nam có thể kể tới như Vietnamworks.vn, careerbuilder.vn, Jobstreet.vn…

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ có xu hướng tìm kiếm việc làm tại các kênh mạng xã hội như Facebook, LinkedIn… Nhờ đó, các kênh mạng xã hội trở thành “địa chỉ” uy tín thứ hai với 66,87% người lao động lựa chọn. Bà Phượng cho rằng, tuyển dụng qua các nền tảng mạng xã hội cũng là cách thức tiếp cận khối lượng ứng viên khổng lồ, giúp giảm chi phí tuyển dụng và được tối ưu hóa một cách đáng kể trong xã hội số hoá.

Ông Trần Văn Long (36 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) - CEO CTCP Think Pro cho biết, để chọn lọc được nhân sự chất lượng cho các vị trí đầu não như quản lý, chuyên gia, ông ưu tiên tuyển dụng qua “headhunter”. Đây là hình thức thuê các công ty “săn” đầu người đang khá phổ biến và được ưa chuộng các tỉnh thành lớn. Với phương thức tuyển dụng này, công ty không phải lo nghĩ nhiều vì các đơn vị cung ứng thường rất uy tín, đảm bảo chu toàn quy trình tuyển dụng. Tuy nhiên, chi phí tuyển dụng qua đây thường khá cao.

Nhìn chung, tùy vào quy mô công ty, mục đích và các quy định tuyển dụng, mỗi công ty sẽ có phương thức tuyển dụng khác nhau một cách phù hợp. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng trong thời đại 4.0 cần có tính linh hoạt, năng động, liên tục cập nhật và đổi mới để thích ứng với những biến động và xu hướng mới trong ngành nghề.

Nghề tuyển dụng nhân sự - cầu nối giữa doanh nghiệp và ứng viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.