Nghề tuyển dụng nhân sự - cầu nối giữa doanh nghiệp và ứng viên

GD&TĐ - Nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

Chuyên viên tuyển dụng đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ứng viên.
Chuyên viên tuyển dụng đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ứng viên.

Nhân viên tuyển dụng có thể góp phần tìm kiếm và tuyển dụng được những nhân tài phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Quy trình làm việc khắt khe

Chuyên viên tuyển dụng nhân sự là một trong những ngành nghề đang thu hút nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ngành này làm những gì, đóng vai trò gì trong doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng (42 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự. Bà Phượng hiện đang giữ chức trưởng phòng tuyển dụng nhân sự tại một công ty công nghệ thuộc quận Nam Từ Liêm. Giải thích về khái niệm chuyên viên tuyển dụng (Recruitment Specialist), bà Phượng cho biết, đây là người tìm kiếm, tuyển chọn ứng viên phù hợp với mục đích hoạt động cũng như đáp ứng tuyệt đối những yêu cầu công việc của vị trí này.

Trên thị trường việc làm hiện nay có 2 kiểu chuyên viên tuyển dụng. Đầu tiên, phổ biến nhất là chuyên viên tuyển dụng nội bộ. Đây là nhân sự làm việc tại một doanh nghiệp duy nhất, chịu trách nhiệm tuyển dụng cho chính doanh nghiệp đó. Ngoài ra còn có chuyên viên tuyển dụng Agency (là nhân sự của các công ty hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng). Trách nhiệm của họ là tìm kiếm ứng viên phù hợp cho nhiều doanh nghiệp khách hàng khác nhau, tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp đó.

“Nhiều người nghĩ tuyển dụng nhân sự chỉ là đợi ứng viên ứng tuyển, phỏng vấn và chọn ra nhân sự phù hợp. Tuy nhiên không đơn giản như vậy, bộ phận nhân sự chuyên nghiệp sẽ có kế hoạch và quy trình tuyển dụng khắt khe”, bà Phượng nói.

Bà Phượng chia sẻ kinh nghiệm, bước đầu tiên, để thu hút và tuyển dụng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhà tuyển dụng cần lập kế hoạch dựa trên nhu cầu của các phòng ban. Chuyên viên tuyển dụng cần thu thập và phân tích thông tin về nhu cầu nhân sự từ các phòng ban. Việc này bao gồm xác định vị trí, số lượng nhân viên mới cần tuyển và thời gian dự kiến tuyển dụng.

Sau đó, bộ phận tuyển dụng cần trao đổi và lắng nghe ý kiến từ đại diện các phòng ban nhằm hiểu rõ hơn về yêu cầu và tiêu chí tuyển dụng. Từ đó, họ lên kế hoạch chi tiết dựa trên việc xác định ngân sách, kênh tuyển dụng và thời gian thực hiện, đồng thời điều phối và triển khai kế hoạch một cách hiệu quả. Sau đó, hoạt động tuyển dụng mới chính thức được triển khai.

nghe tuyen dung nhan su2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Cần khéo léo trong ứng xử

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang (34 tuổi, quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm, quận Hà Đông, Hà Nội), chuyên viên tuyển dụng đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ứng viên.

“Ví dụ, thông tin tuyển dụng do bộ phận này xây dựng không chỉ là một mẩu quảng cáo việc làm, đó còn là yếu tố tiên quyết để thu hút các ứng viên tiềm năng. Quy trình tuyển dụng là một cuộc hành trình tìm kiếm sự phù hợp lẫn nhau, và bắt đầu bằng việc cung cấp các thông tin đầy đủ và chính xác. Thông qua các kênh tuyển dụng, nhà tuyển dụng sẽ đăng quảng cáo tuyển dụng nhằm tìm kiếm ứng viên. Từ đó sàng lọc hồ sơ để chọn ra những ứng viên “sáng” và tiềm năng nhất cho công ty”, bà Thu Trang giải thích.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, người làm tuyển dụng nói riêng và bộ phận nhân sự nói chung, công việc của họ không phải chỉ là “tuyển dụng”. Họ còn phải kết nối quan hệ trong và ngoài công ty, từ đó tạo nên những con người muốn gắn bó với tổ chức, tạo nên văn hóa đẹp nơi làm việc.

Anh Vũ Đức Huy (25 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, từ khâu phỏng vấn đến tiếp cận công việc, nhà tuyển dụng là người ứng viên “kết nối” nhiều nhất.

“Họ là người gửi mô tả công việc cho chúng tôi, sắp xếp lịch trình và cả quá trình phỏng vấn, cuối cùng là đánh giá kết quả. Nếu qua vòng phỏng vấn, họ cũng đồng thời là người thông báo tiếp nhận, hỗ trợ hướng dẫn chúng tôi trong quá trình thử việc. Vì vậy có thể nói bộ phận tuyển dụng là “bộ mặt” của công ty. Một nhà tuyển dụng nhiệt tình, chuyên nghiệp sẽ khiến chúng tôi có thiện cảm với doanh nghiệp hơn”, anh Huy chia sẻ.

Theo số liệu thống kê từ tổ chức Anphabet về vấn đề đi phỏng vấn cùng nhiều đối tượng ứng viên, 83% ứng viên cho rằng trải nghiệm phỏng vấn tiêu cực có thể khiến họ thay đổi suy nghĩ về vị trí tuyển dụng.

Đồng tình với quan điểm này, anh Vũ Đức Huy chia sẻ thêm, việc các nhà tuyển dụng có thái độ lạnh lùng và dửng dưng với ứng viên trong suốt buổi phỏng vấn không hiếm gặp.

“Nếu tôi cảm thấy không được tôn trọng ngay lần gặp đầu tiên, tôi nghĩ những ngày làm việc ở công ty này trong tương lai cũng sẽ không mấy vui vẻ. Vì vậy, tôi có thể từ chối nhận thử việc dù đã qua vòng phỏng vấn. Bởi ở bất cứ doanh nghiệp nào, chúng tôi cũng sử dụng trí óc và sức khỏe của mình để mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, vì vậy người lao động không chỉ có một mà vô vàn sự lựa chọn trong thị trường lao động”, anh Huy thẳng thắn bày tỏ.

Đánh giá chung, bà Nguyễn Thị Bích Phượng cho rằng, bằng chuyên viên tuyển dụng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyển được những nhân sự có năng lực và đủ khả năng hoàn thành tốt công việc. Từ đó mang đến sự hiệu quả trong quá trình quản trị. Mặc dù không trực tiếp tạo ra doanh số như bộ phận kinh doanh hay quảng bá thương hiệu như bộ phận truyền thông nhưng nhân viên tuyển dụng là những nhân sự gián tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững đồng thời là “bộ mặt” của một doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.