Xu hướng tuyển dụng không chuộng bằng cấp

GD&TĐ - Khối doanh nghiệp tư nhân đã xuất hiện xu hướng tuyển dụng không đặt nặng ứng viên có bằng cấp và bằng cấp không còn là tiêu chí “bắt buộc”.

Cần có định hướng rõ ràng cho học sinh THPT chọn đúng ngành nghề.
Cần có định hướng rõ ràng cho học sinh THPT chọn đúng ngành nghề.

Thay đổi cách nghĩ

Trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp, hoặc ra trường phải làm trái ngành nghề được đào tạo ngày càng tăng cao, thì việc nên học đại học hay học nghề vẫn đang là câu hỏi lớn của nhiều gia đình, nhất là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và con cái chỉ có lực học trung bình.

Em Lê Huyền Linh, học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự: “Học lực của em hơi kém so với các bạn trong lớp. Em đã tham khảo nhưng chưa “chốt” được trường nào. Em có tham gia buổi hướng nghiệp của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện và quyết định chọn học nghề spa, nail… vì chi phí học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, thời gian học nghề ngắn, có việc làm và thu nhập ngay sau khi hoàn thành. Đặc biệt, môi trường làm việc của nghề này phù hợp với em bởi em được thoải mái sáng tạo”.

Chị Phạm Thu Hà, thôn Thái Hoà, xã Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) có con trai đang học lớp 12 tại Trường THPT Thạch Thất. Theo chị Hà, những năm trước đây, chị và gia đình luôn mong muốn con sẽ vào giảng đường chinh phục tấm bằng đại học để sau này sẽ thuận lợi hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp. Nhưng, dù đã được bố mẹ “đầu tư”, tạo điều kiện cho việc học tập mà lực học của con cũng chỉ đạt mức trung bình.

Thời gian gần đây, tâm sự với con, chị Hà biết con có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi học nghề sửa chữa ô tô. Ban đầu vợ chồng chị không đồng ý, nhưng về sau được thầy giáo chủ nhiệm của con tư vấn, chị Hà đã ủng hộ nguyện vọng của con. Chị Hà bộc bạch: “Qua tìm hiểu thực tế, cũng như nghe một số người có kinh nghiệm phân tích, tư vấn, tôi được biết học nghề sửa chữa ô tô trong thời buổi này sẽ có cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn. Đây lại là nghề con tôi thích nên gia đình tôn trọng quyết định và ủng hộ lựa chọn của con”.

Cũng như Lê Huyền Linh, em Trần Thị Chuyên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội) đã lựa chọn học nghề để chuẩn bị “hành trang” cho tương lai. Em Chuyên cho biết: “Ở xã em có nhiều anh chị học xong đại học phải đi làm nghề tự do, rất ít người tìm được làm việc đúng chuyên môn đào tạo tại trường đại học.

Hơn nữa, 4 năm học tập ở trường đại học chi phí cũng rất lớn. Từ thực tế cuộc sống và được thầy, cô trong trường tư vấn, định hướng nghề nghiệp, căn cứ vào năng lực, sở thích của bản thân, em đã chọn hướng đi du học tại Nhật Bản chuyên ngành điều dưỡng. Lựa chọn này, được bố mẹ ủng hộ khiến em rất thoải mái và tự tin”.

Các doanh nghiệp coi trọng kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của ứng viên thay vì tuyển bằng cấp.

Các doanh nghiệp coi trọng kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của ứng viên thay vì tuyển bằng cấp.

Tuyển người thực việc

Hiện nay, người lao động trong các doanh nghiệp chia thành hai nhóm: Lao động có chuyên môn (có bằng trung cấp trở lên, được đào tạo bài bản về một chuyên môn, nghiệp vụ) và lao động phổ thông (không có tay nghề, được doanh nghiệp đào tạo sau khi tuyển dụng).

Đối với lao động phổ thông, yêu cầu về kỹ năng nghề là quan trọng nhất. Ngoài ra, lao động phổ thông còn cần có một số kỹ năng như kỹ năng xử lý, giải quyết vấn đề. Nhưng thực tế hiện nay, phần lớn lao động phổ thông có một số kỹ năng nhưng ở mức thấp, còn một bộ phận trong số đó không có khả năng dung nạp kỹ năng mới.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc phụ trách hành chính, nhân sự một công ty Nhật Bản chia sẻ, việc tuyển dụng lao động ngày càng thoáng hơn. Các nhà tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp đều có những bài kiểm tra rất bài bản, xác định năng lực chuyên môn từng người cùng những tố chất phát triển.

“Vấn đề chính là nhân sự có đáp ứng đủ những yêu cầu mà công việc đòi hỏi hay không. Công ty chúng tôi thuộc vốn đầu tư nước ngoài, mỗi năm đều phải lựa chọn những ứng viên đi tu nghiệp tại Nhật. Họ có thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay THPT, cơ hội bình đẳng cho mọi người”, ông Chương cho biết.

Đồng quan điểm, bà Phạm Kim Linh, Phó Giám đốc Công ty Groovy cho biết: “Chúng tôi không trả lương theo bằng cấp. Khi được tuyển dụng, người lao động sẽ được hưởng lương theo vị trí công việc và năng lực của mình. Việc thăng tiến của họ hoàn toàn dựa vào năng lực chuyên môn hay năng lực quản lý và điều đó thể hiện qua hiệu quả công việc, chứ không phải do trong hồ sơ có bằng nọ bằng kia”.

Bà Linh cho biết thêm, khi lọc hồ sơ ứng viên, công ty không phân biệt bằng của trường nào, trong nước hay nước ngoài, trường nổi tiếng hay không. Với những người có bằng do trường nước ngoài cấp, công ty cũng không yêu cầu họ phải công chứng văn bằng. “Vào công ty có làm được việc hay không mới là quan trọng. Vào mà không làm được thì dù có bằng đại học của trường nổi tiếng đi nữa chúng tôi cũng không ký tiếp hợp đồng”, bà Linh chia sẻ.

Con đường học nghề hiện nay, không phải là lựa chọn dễ dàng với những người trẻ vừa bước qua bậc học THPT, nhưng chắc chắn cơ hội việc làm sẽ rộng mở đối với những học sinh luôn nỗ lực và khẳng định được bản thân với nghề nghiệp mà mình đã chọn. Vì vậy, phụ huynh và học sinh cần có định hướng, xác định rõ ràng trong việc lựa chọn nghề nghiệp, để các bạn trẻ có quyết định đúng đắn trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ