“Cơn mưa” thành tích
Trong thời gian gần đây, các nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc liên tiếp gặt hái giải thưởng danh giá trong các cuộc thi tầm cỡ quốc tế. Đơn cử, nghệ sĩ piano Lim Yun-chan đã giành chiến thắng tại Cuộc thi Piano quốc tế Van Cilburn, Mỹ. Đây là lần thứ 2 Hàn Quốc giành chiến thắng tại cuộc thi này.
Trước đó, ngày 4/6, nghệ sĩ Choi Ha-young, 25 tuổi, đã giành giải Nhất thể loại cello tại cuộc thi Queen Elisabeth – một trong ba cuộc thi âm nhạc cổ điển uy tín nhất thế giới. Trong vài năm qua, nhiều nhạc sĩ cổ điển Hàn Quốc lọt vào bán kết và chung kết các cuộc thi quốc tế lớn hơn các nhạc sĩ Mỹ, Nga và châu Âu - những “thành trì” của âm nhạc cổ điển.
Hàng loạt chiến thắng vang dội của nghệ sĩ Hàn Quốc được đánh giá là “hiện tượng độc đáo” chưa từng có trên thế giới. Ít ai biết, đằng sau sự thành công của họ là hệ thống giáo dục năng khiếu đang ngày một phát triển tại Hàn Quốc.
Cả Lim và Choi đều từng theo học tại Viện Năng khiếu Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc (KNIGA). Song song dạy học chương trình phổ thông, trường có chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho học sinh có năng khiếu nghệ thuật. Để theo học tại trường, các tài năng trẻ phải tham gia nhiều buổi thử giọng, trình diễn yêu cầu cao.
Ông Lee Sung-ju, Giám đốc KINGA, nhận xét: “Một tài năng nghệ thuật rất cần được phát hiện sớm và đào tạo chuyên sâu. Khác với các viện đào tạo tài năng nghệ thuật trẻ trên thế giới, KNIGA trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc nên chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ”.
Ngoài ra, các tài năng trẻ Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ hết mình từ cha mẹ của họ. Vốn là quốc gia coi trọng giáo dục, phụ huynh Hàn Quốc luôn dành những điều kiện học tập tốt nhất cho con.
Khi phát hiện con có năng khiếu hơn bạn bè ở một lĩnh vực nào đó, họ không ngần ngại thuê gia sư bồi dưỡng chuyên sâu hoặc đăng ký cho con vào các trường dành riêng cho trẻ có năng khiếu. Nhờ sự định hướng từ rất sớm của gia đình, trẻ có năng khiếu tại Hàn Quốc có “mảnh đất” để phát huy tài năng.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận về giáo dục năng khiếu ở Hàn Quốc vẫn thường xuyên nảy ra với hai quan điểm đối lập. Một bên là những người phản đối, cho rằng chương trình giáo dục đặc biệt được thiết kế riêng cho một số ít người được chọn và phá hủy nguyên tắc cơ hội bình đẳng. Trong khi số khác tin rằng chương trình này nuôi dưỡng những cá nhân xuất chúng, đi tiên phong trong các lĩnh vực.
Là chuyên gia về giáo dục năng khiếu, bà Suh Ye-won, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Giáo dục Năng khiếu và Tài năng Hàn Quốc, đứng về nhóm thứ hai. Bà Ye-won cho rằng, giáo dục có thể đạt đến bình đẳng bằng cách giúp học sinh tài năng phát huy hết khả năng của họ.
“Dù hình thức giáo dục năng khiếu trước đây chỉ dành cho những học sinh xuất sắc về mặt học tập, mô hình hiện nay khuyến khích những học sinh có tài năng ở các lĩnh vực khác nhau phát huy tối đa tiềm năng. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm những học sinh này và cho các em cơ hội phát triển tài năng”, bà Ye-won chia sẻ.
Giáo dục trẻ năng khiếu được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm xây dựng. |
Giáo dục dành cho thiểu số
Theo chuyên gia Ye-won, mục đích của giáo dục năng khiếu là cung cấp nền giáo dục phù hợp cho những đối tượng khác nhau, còn giáo dục mọi học sinh trong cùng một môi trường không phải là bình đẳng. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, mọi người đều được hưởng nền giáo dục bình đẳng theo tài năng của mình.
Những năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hỗ trợ giáo dục trẻ tài năng. Năm 2000, nước này ban hành Đạo luật Khuyến khích Giáo dục Năng khiếu và Tài năng, mở đường cho việc xây dựng trường học và chương trình đào tạo dành riêng cho trẻ có năng khiếu.
Đến năm 2003, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố “Kế hoạch Tổng thể đầu tiên” đưa ra hướng dẫn chi tiết về giáo dục năng khiếu cho các nhà hoạch định chính sách. Kể từ đó, kế hoạch được cập nhật 5 năm một lần.
Quy trình tuyển chọn học sinh cho chương trình đào tạo này cũng tương đối đặc biệt. Giáo dục năng khiếu tại Hàn Quốc bao gồm các bài kiểm tra và đánh giá của giáo viên, khác với nhiều quốc gia chỉ sử dụng bài kiểm tra nhận thức.
Các bài kiểm tra đa dạng hình thức ở nhiều lĩnh vực từ văn hóa đến thể thao, nghệ thuật... Nếu trúng tuyển, học sinh sẽ được chia vào các lĩnh vực khác nhau và được giáo dục phù hợp với năng khiếu của các em.
Hệ thống giáo dục cho học sinh năng khiếu được chia thành ba phần gồm lớp năng khiếu, Trung tâm Giáo dục Năng khiếu và Trường Phổ thông Năng khiếu. Mô hình lớp năng khiếu và Trung tâm Giáo dục Năng khiếu tương tự như các hoạt động ngoại khóa – nơi học sinh được đào tạo nâng cao bên cạnh chương trình học chính khóa.
Trái lại, Trường Phổ thông Năng khiếu là trường đào tạo toàn thời gian, chỉ nhận học sinh đã vượt qua bài đánh giá của chính phủ như kiểm tra năng khiếu, phỏng vấn, giới thiệu của giáo viên... Năm 2015, ước tính 1.996 học sinh theo học tại những trường này, tương đương 0,03% tổng số học sinh cả nước.
Tuy nhiên, từ khi các trường phổ thông năng khiếu đi vào hoạt động, nhiều người đã phản đối mô hình này và cho rằng, nó thúc đẩy giáo dục tư nhân. Đề thi của các trường được đánh giá là “ngoài khả năng” của học sinh.
Đơn cử, tháng 12/2021, nhóm “Một thế giới không lo lắng về giáo dục tư nhân” chỉ ra hơn 66% bài kiểm tra môn Toán tuyển sinh vào các trường năng khiếu có mức độ khó nằm ngoài chương trình dạy cấp THCS. Do đó, để trúng tuyển, các em phải lao vào học thêm từ rất sớm.
Dù vậy, vì trường dành cho trẻ em có năng khiếu nên dù học thêm, nhiều em vẫn không vượt qua vòng kiểm tra, tạo gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình.
Phản đối quan điểm này, bà Ye-won khẳng định, Hàn Quốc nên chú trọng hơn đến khía cạnh tích cực của giáo dục năng khiếu thay vì mặt tiêu cực. Một trong những lợi ích của mô hình này là phát hiện những học sinh tài năng để phát huy tiềm năng thay vì để thui chột.
“Cá nhân tôi tin rằng, hệ thống giáo dục Hàn Quốc nên phát triển theo hướng giúp học sinh phát huy đa dạng tài năng của mình. Ngày nay, các nghệ sĩ, vận động viên có năng khiếu cũng quan trọng không kém các nhà khoa học thiên tài”, bà Ye-won bày tỏ.