Hấp dẫn, lôi cuốn
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, mỗi nhà giáo cần hiểu và nắm được quy luật của nghề dạy học, phải thấu hiểu được học trò của mình. Vì nói đến nghệ thuật là phải nói đến tính hấp dẫn, lôi cuốn.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, dạy học vốn không phải bộ môn nghệ thuật mà là môn khoa học tác động đến con người nên nó càng mang tính nghệ thuật bao nhiêu, hiệu quả giáo dục càng cao bấy nhiêu. Trong nghề dạy học, người ta chú ý một số yếu tố cơ bản để dạy học trở thành nghệ thuật như: Thứ nhất, công cụ truyền đạt của thầy cô là ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể. Giáo viên cần làm chủ các ngôn ngữ này, biến nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn. Đặc biệt, ngôn ngữ hình thể: Từ ánh mắt, nụ cười đến những cái khoát tay đều phải ăn nhịp và tạo sức hút. Tuy nhiên điều này chưa nhiều giáo viên quan tâm.
Thứ hai, giáo viên không chỉ phải nắm vững kiến thức khoa học mà cái chính là phải biết tổ chức giờ dạy của mình để phát huy tính chủ động sáng tạo của học trò. Lối truyền thụ một chiều, kiểu cũ không còn phù hợp. Cần biết nêu vấn đề, tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề chứ không chỉ chăm chăm nói cho đủ. Đây là sự phối hợp nhịp nhàng. Thầy nói ít và khơi mở để trò có cơ hội tham gia, bộc lộ khả năng tiếp thu và vận dụng các tri thức giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
“Nghệ thuật dạy học là để nhấn mạnh đến yếu tố nghệ thuật trong dạy học chứ không phải là bộ môn nghệ thuật. Mỗi bộ môn nghệ thuật có ngôn ngữ riêng: Hội họa là đường nét, màu sắc; Âm nhạc là âm thanh, ca từ; Văn học là ngôn ngữ thông qua hình tượng nhân vật… Nghệ thuật dạy học là làm tốt nhất tất cả các công việc của giờ dạy để đạt đến trình độ nghệ thuật và văn hóa. Giáo viên cần thực hiện những điều cơ bản của hoạt động dạy học một cách nghệ thuật nhất để đạt hiệu quả cao nhất” - TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.
Giáo viên cần tìm ra các phương pháp dạy học nhằm thu hút học sinh tham gia vào bài học. |
Giáo viên không chỉ dẫn dắt học sinh
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, dạy học cần truyền được cảm hứng cho người học và đặc biệt, theo yêu cầu của giáo dục mới, người học phải chiếm lĩnh các kiến thức khoa học để phát triển nhân cách của mình một cách tự nhiên nhất, tự giác nhất. Và tri thức đến với học sinh như tác phẩm nghệ thuật thu hút được người xem. Khi nhấn mạnh đến nghệ thuật dạy học là đòi hỏi trình độ năng lực giáo viên cả về khoa học cơ bản lẫn khoa học sư phạm, phải được sử dụng thành thạo và quan trọng là phù hợp, được học sinh hoan nghênh, hưởng ứng.
Bày tỏ tâm đắc với quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, cô Nguyễn Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi, không chỉ là người dẫn dắt học sinh tìm ra tri thức mới mà trong quá trình dạy học, giáo viên cần đổi mới, sáng tạo trong dạy học nhằm gây hứng thú, hấp dẫn học sinh tìm tòi, khám phá tri thức.
Ngoài ra, trong quá trình dạy học, giáo viên cần đưa ra những tình huống mở để học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Qua đó, nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của mình. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến năng lực tự học, giải quyết vấn đề, kết hợp với học nhóm. Mục đích là để học sinh tự tìm tòi, phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức, tri thức mới.
Cho rằng, đổi mới, sáng tạo trong dạy học không chỉ là yêu cầu bắt buộc, mà còn là nhu cầu tự thân đối với giáo viên, cô Nguyễn Thị Hòa cho biết: Thực tế cho thấy, hiện nay khả năng tiếp thu của học sinh rất nhanh nhạy, chính vì vậy trong quá trình dạy học, giáo viên phải đổi mới, sáng tạo tìm ra các phương pháp dạy học thu hút học sinh tham gia vào bài học, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Mặt khác, hiện nay, việc dạy – học không còn thụ động, một chiều; Học sinh có thể trao đổi, tương tác với giáo viên. Vì thế, nếu giáo viên không tự đổi mới sẽ khó bắt nhịp với yêu cầu của thực tiễn.
TS Nguyễn Tùng Lâm