"Nghệ thuật nhượng bộ" trong hôn nhân - điều ai cũng cần phải biết

Trong giao tiếp vợ chồng không nên cố chiếm vị trí đứng đầu, cố gắng giành phần thắng. Không nên cho rằng mình không chỉ có quyền chỉ ra sai lầm của người kia mà còn có quyền trừng phạt lại họ.

"Nghệ thuật nhượng bộ" trong hôn nhân - điều ai cũng cần phải biết

Hôn nhân bền vững, đời sống vợ chồng hòa hợp luôn là điều mà người vợ, người chồng mong muốn. Nhưng để có được điều đó là cả một nghệ thuật sống mà không phải ai cũng biết vận dụng. Một trong những bí quyết thành công là nghệ thuật nhượng bộ.

Một cô gái sinh ra và lớn lên trong gia đình được điều hành bởi chế độ "mẫu quyền". Theo đó, tiếng nói của người mẹ luôn có trọng lượng nhất trong nhà, còn tiếng nói của người cha chỉ mang tính chất "phụ họa". Cô bị ảnh hưởng bởi uy quyền của người phụ nữ trong gia đình ngay từ nhỏ.

Do đó, khi lớn lên, cô mang theo lối suy nghĩ ấy vào cuộc sống hàng ngày của mình. Đến lúc bước vào hôn nhân, cô mang luôn "kịch bản" sống của gia đình mình vào cuộc sống mới, thậm chí lấy đó làm tiêu chí để xây dựng hạnh phúc.

Tương tự, một chàng trai sinh ra và lớn lên trong gia đình được điều hành bởi uy quyền của người cha. Tiếng nói của người cha là uy quyền, là mệnh lệnh trong gia đình và tất cả đều phải phục tùng. Chàng trai hình thành nên quan niệm sống chỉ có người đàn ông mới có quyền quyết định và có tiếng nói trong gia đình.

Còn phụ nữ là người chấp hành "mệnh lệnh" và luôn đứng sau mọi quyết định của đàn ông. Đến tuổi xây dựng gia đình, chàng trai cũng mang luôn quan niệm sống ấy vào hôn nhân.

Cả chàng trai và cô gái trong hai câu chuyện ấy đã nghĩ họ sẽ có được cuộc sống gia đình bình yên, êm ả như gia đình thời thơ ấu của mình.

Nhưng thực tế, màu hồng của hôn nhân rất ngắn ngủi, họ nhanh chóng đối mặt với mọi sự bất đồng trong quan điểm sống. Ai cũng cho rằng mình đúng và quyết không nhượng bộ đối phương. Kết quả chỉ sau một thời gian ngắn, họ cảm thấy cuộc hôn nhân mà mình đang làm chủ quá chông chênh và căng thẳng.

Hạnh phúc đã không thật sự như họ nghĩ nhưng không ai tự nhận quan điểm sống của mình là sai, trong mắt họ chỉ có đối phương là người có lỗi. Vậy nguyên nhân vì sao mà mỗi người chồng, người vợ lại luôn cho rằng mình đúng còn đối phương sai?

Thông thường, tình yêu gắn kết những người rất khác nhau về tính cách, lối sống, thói quen thành vợ thành chồng. Hai con người vốn dĩ đang sống trong hai gia đình có cách sống không giống nhau - điển hình ở đây, một gia đình do người phụ nữ làm chủ, còn một gia đình do người đàn ông nắm quyền. Họ bắt đầu chung sống với nhau và người nào cũng tin rằng "kịch bản" sống của gia đình mình là đúng.

Do vậy, trong cách ứng xử của người bạn đời, bất kể việc gì cũng khiến ta bực mình và luôn mặc định rằng người bạn đời làm sai. Ngược lại, người kia cũng cho rằng mình đã làm đúng vì nó phù hợp với "kịch bản" của mình. Kết quả, hai người luôn cãi nhau trong mọi vấn đề.

Để giải quyết tình trạng này, cả hai người cần nhớ rằng đời sống vợ chồng là nghệ thuật của các nhượng bộ. Việc cả hai đem vào hôn nhân một "kịch bản" sống không có gì xấu, nếu như ngay từ đầu người này đã biết được "kịch bản" của người kia, nếu hai "kịch bản" được đem đối chiếu để phù hợp với nhau.

Tuy nhiên, trong thực tế hôn nhân thì lại không như vậy, vì mỗi người đều không muốn công bố cho người kia biết những quan điểm và điều lệ của mình. Thậm chí nhiều người còn ảo tưởng cho rằng nếu họ đã yêu nhau và sống chung với nhau thì các quan niệm về cuộc sống chung đều giống nhau. Đến khi chạm vào thực tế hoàn toàn khác xa nhau, họ trở nên thất vọng, chán nản.

Cách tốt nhất để vượt qua trở ngại ấy là cố gắng hiểu những ý nguyện và mong muốn đối với bạn đời. Mỗi một người nên kiên nhẫn, nhượng bộ để tìm kiếm những thỏa hiệp hợp lý. Trên cơ sở hai điều lệ khác nhau, cả hai nên cùng nhau soạn ra một "điều lệ" thứ ba cho gia đình riêng của mình.

Đối với cặp vợ chồng, điều lệ này khác xa với các quy tắc xử sự của gia đình bố mẹ hai bên và cả những thói quen của vợ hoặc chồng. Thoạt nhìn, điều lệ có thể hơi miễn cưỡng vì nó xuất phát từ sự nhượng bộ của người kia với đối phương - nhưng nó lại đáp ứng được những nhu cầu của hai vợ chồng trong cuộc sống.

Nhượng bộ khác với sự đầu hàng, chấp nhận. Vì đó là một nghệ thuật ứng xử, trong đó có điểm dừng cho mỗi người. Nếu ai để cho đối phương vượt qua ranh giới của sự nhượng bộ ấy thì sẽ khiến hôn nhân bất lợi. Vậy nên, người nhận được sự nhượng bộ ấy cần biết trân trọng cách ứng xử của bạn đời. Còn khi đầu hàng và chấp nhận có nghĩa là người kia buộc phải chịu thua trước điều lệ của người kia.

Thường thì trong tâm lý của người "bại trận" - buộc phải đầu hàng, chấp nhận sẽ có sự tích tụ dần những hờn giận, bực bội. Thỉnh thoảng người họ không kìm chế được những bực bội bị dồn nén sẽ bung ra bất ngờ và dữ dội. Những lúc ấy cả hai vợ chồng đều không cảm thấy an toàn về tâm lý và khó có thể được hưởng sự gần gũi về cảm xúc với người bạn đời của mình.

Điều mấu chốt trong nghệ thuật của sự nhượng bộ là sự hiểu biết. Mỗi người chồng, người vợ hãy cố hiểu và biết thật nhiều về bản thân, về người bạn đời của mình, về những ham muốn, sở thích, nhu cầu của mỗi người, về những điều mong chờ ở nhau.

Trong giao tiếp vợ chồng không nên cố chiếm vị trí đứng đầu, cố gắng giành phần thắng. Không nên cho rằng mình không chỉ có quyền chỉ ra sai lầm của người kia mà còn có quyền trừng phạt lại họ. Nếu nhìn rõ được những vấn đề này, sự nhượng bộ sẽ là một cán cân cân bằng cuộc sống hôn nhân của bạn.

Theo Infonet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.