Nghệ thuật biểu diễn thời 4.0

Nghệ thuật biểu diễn thời 4.0

Khi nghệ thuật ảo như... thật!

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VH-TT&DL), TS Từ Mạnh Lương, công nghệ thực tại ảo, trình diễn âm thanh, ánh sáng, hình ảnh 3D tạo nên những thay đổi trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Ví dụ, công nghệ tạo lập và xử lý âm thanh, ánh sáng có thể tạo được sản phẩm âm nhạc hoàn toàn bằng điện tử, không phải ghi âm, ghi hình như phương pháp truyền thống. Có thể làm MV (music video) với hình ảnh 3D phân giải cao, âm thanh 5.1, 7.1...

Hay giả thiết về nhân bản ca sĩ ảo trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống mà nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đưa ra về một phiên bản nghệ nhân Hà Thị Cầu. “Phiên bản ảo này giống như người thật lúc nghệ nhân còn hiện hữu trên cuộc đời. Không chỉ có hình thức, cử chỉ giống như nguyên mẫu, nghệ nhân Hà Thị Cầu ảo hoàn toàn có thể hát và đánh đàn nhị với kỹ thuật rung, nhấn, nhá, nhả câu, nhả chữ y như người thật... Đó là điều có thể xảy ra trong tương lai”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.

Rõ ràng, cuộc cách mạng 4.0 có những tác động trực tiếp lên mọi hoạt động của con người, trong đó có đời sống sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật. “Những ảnh hưởng từ cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi phương thức hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn tác phẩm vận hành theo công nghệ sản xuất tác phẩm nghệ thuật. Hoạt động công nghiệp biểu diễn gắn với công nghiệp tin học tác động vào khán giả. Việc mở rộng giao lưu trực tuyến giữa nghệ sĩ với công chúng ở mọi nơi, mọi lúc về các giá trị của tác phẩm nghệ thuật...”, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, NSƯT Trần Văn Hải cho hay.

Theo NSƯT Trần Văn Hải, những thư viện điện tử, truyền hình trực tiếp... sẽ giúp mọi người ở tại nhà mà biết tất cả. Đổi mới của cuộc cách mạng 4.0 buộc văn nghệ sĩ, trường văn hóa, nghệ thuật phải đào tạo lại, hoặc đào tạo thế hệ hoạt động văn hóa, nghệ thuật mới để ứng xử với sự đổi mới toàn diện trong sản xuất tác phẩm, nghệ thuật biểu diễn và quản lý, lưu thông hàng hóa văn hóa, nghệ thuật, vì công chúng của xã hội đương đại.

Nghệ thuật biểu diễn thời 4.0 ảnh 1
Không gian làng quê Bắc Bộ trong vở “Thị Nở”.

Không thể thay thế con người

Ý kiến của một số nhà văn hóa, nghệ thuật cho thấy, thách thức mà nghệ thuật biểu diễn đang gặp phải đòi hỏi người nghệ sĩ phải nỗ lực nhằm biến công nghệ thành công cụ sáng tác, chứ không nên quá lệ thuộc vào công nghệ. Nghệ sĩ là nhân tố đầu tiên tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực theo đúng quy luật. Nói cách khác, phải biến kỹ thuật thành nghệ thuật nhằm phục vụ kịp thời sự phát triển của xã hội.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng: “Nếu nhìn ở góc độ văn hóa theo quan niệm truyền thống, sự xuất hiện của những nghệ nhân ảo sẽ ở mức độ nguy hiểm. Bởi “âm nhạc không thể sáng tạo hay biểu diễn mà thiếu đi yếu tố bối cảnh, sự tương tác giữa người biểu diễn và người thưởng thức và đặc biệt là biểu cảm về mặt cảm xúc của người nghệ sĩ, cũng như tài năng, sáng tạo của họ. Điều này ca sĩ ảo không thể có được”.

Tuy nhiên, âm nhạc có được từ nghệ nhân ảo lại có thể được sử dụng làm công cụ thay thế trong một số chương trình ghép, bổ sung, bổ trợ nghệ thuật phù hợp; hay cần thiết phải giảm thiểu thiết bị và nhân lực trong một số chương trình tổng hợp. Từ góc độ giảng dạy chuyên ngành nghệ thuật, nhà giáo Trần Hinh, Trường ĐH KHXH&NV phân tích: Sân khấu kịch là loại hình nghệ thuật tổng hợp lấy diễn xuất của diễn viên làm điều kiện cơ bản, dùng nghệ thuật biểu diễn, ngôn từ và tạo hình, âm nhạc, ánh sáng làm công cụ. Khi áp dụng thành quả của cách mạng 4.0, công cụ ấy nên được điều chỉnh sao cho khi kết hợp với diễn xuất phát huy hiệu quả cao nhất.

Ông Hinh dẫn chứng, các vở diễn của đoàn kịch Luc Team như “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu” sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những dàn cảnh hợp lý. Dù chỉ sử dụng những dàn cảnh tiết giản nhưng vẫn tạo được hiệu quả nghệ thuật cao. Sự kết hợp, bổ trợ, biến đổi giữa công nghệ mới làm nổi bật vai trò, diễn xuất của diễn viên cũng được Nhà hát Kịch Việt Nam sử dụng cho những cảnh quay sẵn thay cho hình thức chuyển cảnh thông thường trong vở “Hồng Lâu Mộng” của đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong; không gian làng quê Bắc Bộ trong vở “Thị Nở” của đoàn kịch Lệ Ngọc...

Có thể thấy, công nghệ dẫu phát triển nhưng không thể thay thế được xúc cảm, sự sáng tạo của nghệ sĩ. Nói như Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, PGS.TS Trần Trí Trắc, nghệ thuật nói chung luôn hướng tới sáng tạo hình tượng con người. Con người là trung tâm, đối tượng cơ bản để nghệ sĩ phản ánh, sáng tạo tác phẩm. Nghĩa là, các nghệ sĩ không bao giờ đưa nghệ thuật biểu diễn thành một dạng công nghệ 4.0, mà phải sáng tạo, biến công nghệ 4.0 thành công cụ để làm nên những hình tượng con người ở thời đại mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ