Nghệ sĩ chiến trường kể chuyện sử bằng hình và sắc

GD&TĐ - 'Những trang sử bằng hình sắc' là cuộc triển lãm hiếm có, hội tụ 45 tác phẩm của 5 nghệ sĩ nổi tiếng từng là những người lính.

5 nghệ sĩ có tác phẩm trong triển lãm từng là những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.
5 nghệ sĩ có tác phẩm trong triển lãm từng là những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.

Những bức hoạ còn vương mùi khói lửa

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ ngày 19 - 29/12 tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (Hà Nội), do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Văn Vũ Art cùng đại diện 5 gia đình nghệ sĩ tổ chức.

“Những trang sử bằng hình sắc” không chỉ là triển lãm đầu tiên của các nghệ sĩ - chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1930 - 1980, mà còn là cuộc hội tụ chưa từng có của 4 hoạ sĩ đã qua đời: Văn Giáo, Quang Phòng, Nguyễn Cương, Đức Dụ với một nhà điêu khắc đã bước sang tuổi 85 - Tạ Quang Bạo.

Theo ông Văn Đức Linh - Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, triển lãm trưng bày giới thiệu 30 bức trực họa được sáng tác trực tiếp trong chiến trường và 15 tác phẩm tái hiện hình ảnh quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong lao động, sản xuất thời kỳ sau đổi mới.

30 bức trực họa khắc họa chân thực cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những bức tranh này không chỉ là “nhân chứng” sống động mà còn được ví như những thước phim tái hiện lịch sử, đưa người xem tận mắt thấy sự khốc liệt của chiến trường.

Những bức hoạ dù vội vàng nhưng đã kịp đặc tả các chi tiết đắt giá nhất của cuộc chiến. Từ những cảnh súng đã sẵn sàng đến những trận đánh trực tiếp, với cảnh lửa cháy và máu rơi đều được ghi lại theo cách trung thực; hay những khoảnh khắc yên bình hiếm hoi bên lán trại cũng được chuyển hoá vào tranh.

Cảnh hành quân, cảnh chiến đấu, cảnh họp bàn tác chiến hay giây phút thư giãn, đọc thư chuyển đến từ hậu phương… tất cả ký ức xưa như gom lại bằng hình và sắc trong những bức tranh còn vương mùi khói lửa.

Công chúng đến xem tranh, không chỉ thấy những trang sử bằng hình sắc mà còn thấy ý chí và quyết tâm mãnh liệt của những người lính. Dù khốc liệt, dù có phải hi sinh trong một trận đánh bất ngờ, dù ngày mai không còn sống để biên vài dòng thư vội gửi về gia đình, nhưng qua hình - sắc lột tả chân dung, người xem vẫn thấy những vui tươi, lạc quan trên đôi môi, ánh mắt các nhân vật.

Là một triển lãm tái hiện lịch sử, cũng là một sự kiện nghệ thuật tri ân, “Những trang sử bằng hình sắc” không chỉ thu hút công chúng yêu hội hoạ - điêu khắc, mà còn như một không gian để các cựu chiến binh – những người lính từng trực tiếp chiến đấu hồi tưởng lại ký ức chiến trường. Triển lãm cũng thu hút đông đảo người trẻ, đặc biệt là học sinh – sinh viên đến tìm hiểu các giá trị lịch sử thông qua hội hoạ.

nghe-si-chien-truong-ke-chuyen-su-bang-hinh-va-sac-4.jpg
Tác phẩm sơn mài 'Những cô gái thông tin' của hoạ sĩ Nguyễn Cương từng đoạt Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980.

Những người thầy của mỹ thuật cách mạng

Đến xem triển lãm, hoạ sĩ Đình Lương nhận định “Những trang sử bằng hình sắc” không chỉ hội tụ các tác phẩm của những chiến sĩ - nghệ sĩ có tiếng, mà họ thực sự là những bậc thầy về hình hoạ Việt Nam. Ba trong số 5 nghệ sĩ, gồm: Văn Giáo, Quang Phòng và Tạ Quang Bạo từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Cố họa sĩ Văn Giáo (1916 - 1996), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ đầu của nền hội họa cách mạng Việt Nam, và được biết đến nhiều trong vai trò là họa sĩ quân đội thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông là người đầu tiên vẽ trực tiếp chân dung Bác Hồ vào tháng 10/1945.

Với phương pháp trực họa giàu cảm xúc, Văn Giáo đã đến và vẽ ở những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc như Nghệ An, Cao Bằng... ghi dấu ấn vào lịch sử mỹ thuật cách mạng với nhiều bức tranh giá trị.

Cố họa sĩ Quang Phòng (1924 - 2013), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, giới mỹ thuật dấy lên phong trào sáng tác và vẽ tranh cổ động ủng hộ Việt Minh, bảo vệ chính quyền cách mạng. Quang Phòng đã vẽ những áp-phích có chú thích bằng thơ lục bát, được nhân dân xem rất đông.

nghe-si-chien-truong-ke-chuyen-su-bang-hinh-va-sac-1.jpg
Triển lãm thu hút đông đảo các cựu chiến binh đến tham quan.

Sau ông theo Ðoàn kịch Giải phóng, mở triển lãm lưu động khắp các tỉnh Việt Bắc, rồi tham gia quân đội, vẫn vẽ không ngừng để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Sau kháng chiến, ông làm công tác nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật, rồi Nhà xuất bản Mỹ thuật và đã hoàn thành nhiều bộ sách có giá trị về mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Cố họa sĩ Nguyễn Cương (1943 - 2014) thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin, Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội. Trong cuộc đời nghệ thuật kéo dài 45 năm, Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh, trong đó chủ yếu là sơn mài. Ngoài hội hoạ, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và thực hành cả điêu khắc.

Cố họa sĩ Nguyễn Đức Dụ (1946 - 2023) thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Tám năm sống và chiến đấu ở Trường Sơn đã cho Đức Dụ chất liệu để ông cặm cụi vẽ về Trường Sơn như một sự tri ân, một sự nhắc nhớ về thời oanh liệt. Những bức tranh của ông từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “đã ghi lại được những nét đáng ghi của công trình vĩ đại của dân tộc”.

Cuối cùng là nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (sinh năm 1941) - nhà điêu khắc quân đội lừng danh với những tượng đài trải dài từ Bắc vào Nam. Năm 1971, Tạ Quang Bạo nhập ngũ, sau đó vào chiến trường làm họa sĩ của Đoàn văn công Khu V. Cũng như nhiều nghệ sĩ tạo hình khác, Tạ Quang Bạo vừa là người lính vừa là nghệ sĩ.

Cho dù chiến trường ác liệt, ông vẫn hăng say sáng tác và ghi chép thực tế qua các ký họa, không ngừng suy nghĩ để xây dựng những tác phẩm điêu khắc trong tương lai, đặc biệt là hình tượng về những bà mẹ, những chiến sĩ giải phóng anh hùng.

“Từ những nét cọ mạnh mẽ, màu sắc sống động đến đường nét điêu khắc tinh tế, triển lãm “Những trang sử bằng hình sắc” đã tạo nên một không gian giao thoa giữa ký ức và nghệ thuật, khiến người xem cảm nhận được sự thiêng liêng của những năm tháng chiến tranh, đồng thời nhìn thấy ánh sáng của niềm hi vọng và sức mạnh bất khuất của những người lính”, ông Văn Đức Linh - Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ