Một là, đúng chuẩn “con nhà người ta”, chăm ngoan, học giỏi ở mức xuất sắc, chẳng bao giờ thầy cô phải nhắc nhở. Thứ hai là những học trò học không giỏi nhưng quậy thì khó ai bằng. Thiết nghĩ, với đối tượng học trò thứ nhất, thầy cô không quên được là điều dễ hiểu.
Còn những học sinh thuộc đối tượng thứ hai thì sao? Với tôi, dù các em có là những học sinh như thế nào thì cũng đều rất đặc biệt. Thậm chí, tôi thường có ấn tượng nhiều hơn với những học trò bị gọi là “cá biệt”.
Hầu như năm học nào tôi cũng gặp một vài học sinh thuộc diện đặc biệt, theo một trong hai khía cạnh trên. Và tôi không ngại “va chạm” với các em, những học trò “chưa ngoan”. Tôi muốn hiểu các em, từ đó góp phần nhỏ giúp các em định hướng đúng việc học tập của mình.
Năm đầu tiên ra trường, lớp tôi chủ nhiệm khá đồng đều, đa số các em học khá. Thế nhưng, có một cậu học trò lại luôn làm tôi phải phiền lòng. Đi học trễ, không làm bài, gây mất trật tự trong lớp, trả treo với giáo viên… Nói chuyện với em, tôi khó mà giữ bình tĩnh được. Tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ, em hứa sửa chữa.
Tôi la mắng, quở phạt, em cũng hứa sẽ thay đổi. Nhưng rồi, đâu lại vào đấy. Tôi gọi điện cầu cứu phụ huynh, cũng chẳng ăn thua gì. Đến ngày 20/11 năm ấy, tôi bất ngờ khi em xuất hiện trên sân khấu buổi lễ kỉ niệm ngày nhà giáo.
Những giai điệu của bài hát “Người thầy” cất lên, ấm áp, du dương. Nếu không nhìn thấy mà chỉ nghe tiếng hát, chắc tôi không thể nào biết đó là cậu học trò lớp mình. Tôi dự định gặp cậu. Vậy mà, khi buổi lễ kết thúc, cậu đã về mất, sau khi gửi lại cho tôi bông hồng đỏ và tấm thiệp cảm ơn.
Giáo viên dạy âm nhạc nói với tôi rằng: Thắng (tên cậu học trò) đã đăng kí hát tặng thầy cô bài hát đó, nhưng không muốn cho cô biết. Chị nói thêm rằng “Cậu bé rất có năng khiếu, lúc cậu hát, trông cậu như một thiên thần chứ không phải là học trò cá biệt”. Tôi cũng nhận thấy điều đó.
Tôi bắt đầu muốn tìm hiểu về Thắng, nhưng có vẻ như cậu ta chẳng có chuyển biến gì nhiều, vẫn thường xuyên vi phạm. Một ngày, giờ dạy của tôi kết thúc muộn, Thắng chờ tôi trên chiếc ghế đá ở góc sân trường.
Cậu nói rất chậm và chỉ đủ cho tôi nghe, rằng âm nhạc mới là niềm đam mê lớn nhất của cậu, cậu muốn thi vào học viện âm nhạc quốc gia, nhưng ba mẹ cậu không đồng ý.
Họ muốn cậu theo con đường kinh doanh của gia đình và “ép” cậu học rất nhiều. Và, càng chịu nhiều áp lực, cậu càng chán nản, cậu phản kháng lại ba mẹ bằng thái độ học tập chểnh mảng, thiếu nghiêm túc. Cậu nói, cậu chỉ tìm thấy niềm vui trong những bản nhạc.
Tôi hơi bối rối, chỉ biết vỗ nhẹ vai em và nói: “Tốt lắm con trai, đó là một ước mơ đẹp, một niềm đam mê chính đáng. Con hãy nuôi dưỡng nó không chỉ bằng tâm hồn mà bằng cả tri thức nữa nhé!”
Chẳng biết cậu bé nghĩ gì mà sau buổi đó, cậu hay trò chuyện với tôi hơn, và ít vi phạm hơn, việc học dần đi vào nề nếp… Sau này, trong một lần gặp lại, khi Thắng đã là cậu thanh niên 19 tuổi, tôi hỏi: “Ước mơ của em sao rồi?” thì cậu cười “em vẫn yêu âm nhạc, nhưng em thi vào ngành ngân hàng rồi cô ạ!”.
Ôi, cái tuổi 13, 14 ẩm ương, với cái tôi thật lớn, niềm đam mê từ thuở đó không đủ lớn để cậu bé theo đuổi đến cùng hay vừa đủ lớn để cậu dừng lại để rẽ sang một con đường khác chứ? Dù gì đi nữa, hình ảnh một cậu học trò bị gọi là “cá biệt” “phiêu” trong từng nốt nhạc và từng coi âm nhạc là lẽ sống ấy vẫn rất đặc biệt trong tôi. Nhất là với những tháng năm đầu tôi đứng trên bục giảng.
Những năm sau này, tôi không làm chủ nhiệm lớp, tuy nhiên, với công việc kiêm nhiệm trực phòng tư vấn học đường, tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ những cô cậu học trò kiểu như Thắng, hoặc còn hơn thế nữa.
Đó là một cô bé hiền, ngoan, học giỏi nhưng lại có ý định nghỉ học vì gia đình li tán. Là một cô bé luôn tỏ ra mạnh mẽ, bất cần nhưng thực ra lại đang cố che giấu một con người yếu đuối, dễ tổn thương. Đó còn là Đức, một cậu bé còn ngỗ ngược hơn Thắng nhiều, nhưng lại nhiều tâm sự.
Đặc biệt nhất là Quyên, cô học trò khiếm thính có gương mặt rất dễ thương và lúc nào cũng khát khao học hỏi… Với tất cả các em, tôi đều đón nhận, tôi coi các em như bao học sinh khác chứ không có gì khác biệt.
Tôi coi các em như con, như em mình, và tôi lắng nghe các em. Cô bé nhu mì, hiền ngoan kia cuối cùng cũng đã lấy lại được niềm lạc quan vui sống, và học tập ngày càng xuất sắc.
Em nói rằng em, có một điểm tựa tinh thần, là tôi. Còn Đức, cậu lưu ban mất một năm, hết lớp Tám thì cậu nghỉ học, xin đi học nghề. Trông cậu chín chắn và già dặn hơn tuổi 15.
Ba mẹ cậu hài lòng và ủng hộ cậu. Cô bé Vân lúc nào cũng tỏ ra bất cần, coi thường mọi thứ, đã có lần nức nở trên vai tôi: “Em chẳng cần tôn trọng ai phải không cô? Vì có ai tôn trọng em đâu, ai cũng cho em là đứa hư hỏng, ham chơi!”.
Tôi ôm em, và cứ để như thế, thật lâu. Và tôi nói với em rằng: “Mỗi chúng ta được sinh ra trên đời này đã là đặc biệt, là duy nhất, không có ai được đối xử bất công với mình, kể cả bản thân ta. Em hãy mở lòng với bạn bè, với mọi người, rồi em sẽ thấy, mọi người đều yêu thương em!”. Vân sau này học Trung cấp Y, cô bé trở nên thân thiện và luôn chu đáo trong mọi việc.
Nghề dạy học thật sự cho tôi nhiều cảm xúc. Có niềm vui và cả những nỗi buồn, cả những trăn trở khi học trò chưa ngoan, chưa tiến bộ. Nhưng trên hết, mỗi ngày được đứng trên bục giảng, được nhìn những gương mặt học trò thân thương, lòng ta lại náo nức niềm vui, lại tràn đầy hi vọng về một mùa vàng tri thức…