Những áp lực không nhỏ
Nghe mẹ mắng một hồi về chuyện học hành chểnh mảng và cái sự không biết thương xót mẹ, cô con gái 9 tuổi của chị Kim Lê (phố Vũ Hữu Lợi- Hà Nội) cãi cự lại đầy hờn giận: “Mẹ nói rằng con là cô gái hiểu biết. Con hãy chia sẻ với mẹ mọi điều vì chúng ta là bạn. Con biết là mẹ bị nhiều áp lực. Nhưng mẹ đừng tưởng là chỉ những người lớn như mẹ mới bị nhiều áp lực. Con là một đứa trẻ nhưng con cũng phải chịu rất nhiều áp lực đấy, mẹ có biết không?”.
Đang cáu bẳn cao giọng, chị Lê phải vội vàng chăm chú nghe con chia sẻ về những vấn đề gây cho con ức chế. Từ đó chị mới hiểu ra, hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con.
Hàng năm, khi các họa sĩ nhỏ học đến phần truyền cảm xúc và tư tưởng của mình qua tranh, họa sĩ Quỳnh Mây chủ nhiệm CLB Hoa và Mặt Trời luôn khuyến khích các em thuyết trình. Và năm nào cũng có những bức tranh khiến họa sĩ Quỳnh Mây cảm động và bị sốc bởi những tình cảm và tư duy sâu sắc bất ngờ.
Giới thiệu về bức tranh có màu sắc đen tối của mình, một học sinh lớp 4 chia sẻ: “Thưa các bạn, bức tranh này tớ vẽ về cuộc sống. Mà cuộc sống thì đen tối nên nền tranh tớ để màu đen. Những đường màu tím loằng ngoằng, chằng chịt trên tranh này là sự rắc rối của cuộc sống”.
Cho dù cô giáo và một bé gái 5 tuổi ra sức phản biện lại là “cuộc sống còn có rất nhiều niềm vui”, đa số các em chỉ đồng ý rằng “cuộc sống cũng có niềm vui” nhưng kiên quyết giữ ý kiến “niềm vui thì ít mà sự không vui, nỗi buồn và sợ hãi nhiều hơn” và đứng về phía tác giả với những bằng chứng chính xác và đau buồn như ra đường sợ bị bắt cóc, sợ bị lừa ăn phải ma túy, sợ thức ăn, thực phẩm không an toàn, học hành stress, bạo lực gia đình.v.v.. .
Cô Mây thường không ngủ được sau những sự việc như vậy và cô thường post lại nội dung thuyết trình lên trang facebook để mong các phụ huynh hiểu được sự stress của các con mình từ chính những điều người lớn đã vô tình ám thị vào tâm trí con cái hàng ngày.
Hiểu con bằng nhiều cách
Tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Điều con muốn nói”- tuyển tập các bài viết hay của trẻ em gửi cuộc thi “Mẹ trong tâm trí con - lần III” mới đây tại Hà Nội, Chuyên gia Tâm lý Trần Kim Thành – Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh phúc đã chia sẻ:
Thông thường, cha mẹ luôn mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Trong trạng thái tâm sinh lý bình thường, họ sẽ có những hành vi tích cực để hiện thực hóa mong muốn đó.
Cho con đi học, cho con ăn mặc đầy đủ, quan tâm chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần, cho con vui chơi... Nhưng, có những cha mẹ do áp lực cuộc sống, có tâm sinh lý không bình thường, quá căng thẳng, stress, mệt mỏi kéo dài hoặc khủng hoảng do hôn nhân tan vỡ nên mất tự chủ hành vi dẫn tới bị mất kiểm soát cảm xúc, gây nên bạo hành tinh thần và thể chất với con.
Để hiểu được tâm tư, tình cảm của các con, hãy đứng ở góc nhìn của các con hướng về cha mẹ. Và để gần con, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo hãy lắng nghe con bằng mọi cách, nghe con bằng cảm xúc, bằng ngôn ngữ, bằng hình ảnh và cả sức khỏe tinh thần của con để hiểu con hơn và hãy khích lệ, khen ngợi, động viên con thật nhiều.