Tập cho bé phản xạ với tiếng Anh
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thanh Bình, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết, một trong những sai lầm phổ biến mà chúng ta mắc phải đó là vấn đề phát âm và kiểu dịch từ - từ từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học tiếng Anh mãi từ lớp 3 đến lớp 12 mà vẫn không tự tin giao tiếp với người ngoài được.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình phân tích: Tại sao phát âm rất quan trọng? Ngay trong tiếng mẹ đẻ, bạn nghe một người nói đúng từ (có thể theo từng vùng miền) sẽ dễ hiểu hơn hay một người nói ngọng dễ hiểu hơn? Khi bạn phát âm sai, có nghĩa là trước đó bạn được nghe từ ấy sai.
Nên khi giao tiếp với người bản xứ hoặc người phát âm đúng, dễ xảy ra trường hợp là bạn không hiểu họ nói từ gì mặc dù bạn biết từ mà họ đang nói. Vì từ họ đang nói nghe hoàn toàn xa lạ với cách phát âm vốn dĩ xưa nay bạn được mặc định như vậy trong đầu từ rất lâu rồi. Với các bé thì khả năng ăn sâu vào trong trí nhớ lại càng lớn. Khi nói, nếu bạn phát âm sai thì người phát âm đúng có thể không hiểu bạn đang nói gì.
Các giáo viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm |
Một số người vì chưa nhận thấy được tầm quan trọng của phát âm, nên chúng ta vẫn có thói quen dạy con những từ ta nghĩ ta biết. Một mặt khác, ta chỉ đơn thuần cho là bé còn nhỏ, bé biết nói vậy là được rồi. Nhưng vô tình, những kiến thức đó sẽ ăn sâu vào trí nhớ của bé. Tai hại hơn, nó sẽ trở thành thói quen khó sửa.
Mặt khác, không ít các phụ huynh hay có thói quen dạy con kiểu: “quả táo tiếng Anh là gì?” Làm như vậy thì vô tình làm bé phải suy nghĩ và phản xạ chậm vì mất thời gian để dịch rồi tìm từ ráp vào cho đúng. Để bé phản xạ nhanh hơn, chúng ta nên cầm quả táo hoặc chỉ vào hình quả táo và hỏi “What is it?” rồi chỉ cho bé trả lời Apple/ An apple/ It’s an apple…
Chị Ngô Tuyết Trang, giáo viên tiếng Anh trường mầm non Hươu Sao, cũng là phụ huynh có con trong độ tuổi 0-6, chia sẻ, để giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và ngoại ngữ, việc quan trọng là để trẻ được tương tác. Chúng ta cần giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) qua hoạt động tương tác, trò chuyện với trẻ những điều trẻ thích thú. Đồng thời, để trẻ được tự do thể hiện, từ đó khơi nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo của trẻ…
Hiện nay, việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bậc phụ huynh. Vì nhiều suy nghĩ sai lầm mà phụ huynh đã bỏ lỡ "giai đoạn vàng" hoặc định hướng cho con cách học ngoại ngữ không đúng đắn.
Khi nói chuyện về việc cho con làm quen với tiếng Anh từ sớm, nhiều phụ huynh "nôn nóng" muốn con nhanh giỏi như các bạn sau đó ép con học hành hoặc đưa ra nhận định dựa vào niềm tin của mình chứ không phải là vào thực tế như học ngoại ngữ từ sớm sẽ ảnh hưởng đến tiếng mẹ đẻ... Chính điều này khiến việc học tiếng Anh của trẻ không hiệu quả.