Khi hacker đánh lừa các nhà báo
Trong nhiều thập niên, việc để lọt thông tin mật đến tay báo chí đã trở thành chủ đề “nóng” mà người lộ tin thường là cựu nhân viên chính phủ, kể cả điệp viên CIA bất mãn hoặc những người không hài lòng với thể chế chính trị và cách hành xử của nhà cầm quyền. Nhưng trong những năm gần đây, công nghệ thông tin với tiến bộ vượt bực đã giúp nhiều hacker đánh cắp thông tin với qui mô lớn mà không cần là “người trong nhà” mới làm được.
Thiệt hại không chỉ là chính quyền, doanh nghiệp mà còn cả người dân như vụ Facebook bị lấy cắp thông tin người dùng qui mô lớn vừa xảy ra. Chelsea Manning, WikiLeaks, Edward Snowden là những trường hợp điển hình về lộ bí mật. Không chỉ dữ liệu của Cơ quan Anh ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị lộ mà hacker còn tung lên mạng “Hồ sơ Panama Papers” về những giao dịch ngân hàng bất minh mang tầm quốc tế.
Ngay cả báo chí cũng là nạn nhân của hacker chứ không còn là đối tượng được hacker chia sẻ thông tin mật như trước. Hacker thường là một nhóm tự phát nhưng có thể là một tổ chức được các chính phủ kín đáo hỗ trợ để tấn công đối phương bằng biện pháp ít tốn kém nhất.
Các phóng viên đang bị đặt vào thế khó xử: không biết độ thật, giả của nguồn tin! Một hồ sơ thật gửi qua Internet có thể được gài bên trong những tình tiết giả nên việc khai thác thành bài viết là rất khó.
Trong cuốn sách mới viết về cựu ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton, cây bút Amy Chozick tiết lộ, “một số bài viết trên tờ The New York Times về việc nước Nga can thiệp bầu cử được dựa vào những tài liệu giả mạo”. “Vì vậy, các nhà báo phải tự mình thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp khi khai thác thông tin, biết phân biệt được đâu là nguồn tin thật, đâu là giả cần kiểm chứng - Chozick nói - Sống trong một thế giới mọi thứ đều có thể bị hack và thêm thắt vào, báo chí phải cực kỳ cẩn thận và trong sáng khi viết bài, đặc biệt là những bài mang tính thời sự nếu không muốn trở thành kẻ tiếp tay cho những âm mưu xấu”.
Cái chết gây rúng động của Jyotirmoy Dey
Ngày càng có nhiều nhà báo bị giết vì vấn đề họ đang điều tra. Đó là trường hợp của phóng viên điều tra hình sự Jyotirmoy Dey, 56 tuổi (bút danh J Dey), một trong những nhà báo chống tội phạm hàng đầu tại thành phố Mumbai của Ấn Độ. Ông đã có nhiều bài viết lột trần những bí mật và sự tàn bạo của thế giới ngầm Mumbai và những ông trùm.
Đầu tháng 5/2018 Chhota Rajan, 58 tuổi, trùm một băng đảng tội ác khét tiếng đã bị kết án tù chung thân vì giết J Dey tại thành phố Mumbai năm 2011. Năm 2015, y bị dẫn độ từ Indonesia về sau 4 năm lẩn trốn. Ngoài Rajan còn 8 trợ lý khác bị buộc tội, nhưng một người chưa bị bắt và một người qua đời năm 2015. Không có ai trong số 155 nhân chứng được phía công tố mời đến tòa chứng kiến tận mắt vụ giết người.
Jyotirmoy Dey bị bốn người đàn ông đi xe gắn máy bắn chết theo lệnh của Rajan, nhà báo Jigna Vora và một nghi can khác được miễn tố do thiếu bằng chứng. Sau khi Dey qua đời, các nhà báo tại Mumbai đã tiến hành cuộc biểu tình đòi hỏi chính quyền phải có thêm những biện pháp bảo vệ họ. Thoạt đầu, cảnh sát Mumbai thụ lý vụ này nhưng sau khi Rajan bị dẫn độ, vụ án được chuyển cho cảnh sát liên bang.
Chhota Rajan (bí danh Little Rajan) có tên thật Rajendra Sadashiv Nikalje bị công tố khép nhiều tội sát nhân, tống tiền và buôn bán ma túy. Sinh ra và lớn lên tại Mumbai, y đi vào thế giới ngầm từ lúc còn rất trẻ và nhanh chóng leo lên vị trí lãnh đạo một trong những băng đảng khét tiếng nhất của thành phố.
Vụ J Dey chỉ là một trong nhiều vụ án giết người liên quan đến nhà báo và những nguy hiểm khác mà các phóng viên phải đối đầu thường xuyên tại những điểm nóng trên thế giới. “Nóng” về chiến tranh, chính trị hay môi trường, ma túy.
Những con số hãi hùng
Shah Marai
Ngày 30/4/2018, đất nước Afghanistan chìm trong nội chiến đã phá kỷ lục về số nhà báo bị giết trong 1 ngày: 10 người thiệt mạng trong 2 vụ tấn công khủng bố riêng lẻ. Ở vụ trước tại thủ đô Kabul, ngay khi các nhà báo đổ về hiện trường vừa bị đánh bom để săn tin sau 15 phút, một kẻ đánh bom tự sát cải trang nhà báo đã lấy đi mạng sống của 9 nhà báo.
Trong số tử vong có Shah Marai, trưởng bộ phận nhiếp ảnh của cơ quan thông tấn Agence France-Presse (AFP) ở thủ đô Kabul. Ở vụ sau tại tỉnh Khost, phóng viên Ahmad Shah 29 tuổi bị hai kẻ đi xe gắn máy bắn chết. Najib Sharifi, giám đốc Ủy ban An toàn Nhà báo Afghanistan (Afghan Journalists Safety Committee) cho biết, Shah đang trên đường về nhà thì bị tấn công.
Năm 2017, có 82 nhà báo thiệt mạng vì công việc của mình, thấp nhất trong 10 năm. Đa số bị giết khi đang điều tra tham nhũng chính trị hoặc tội ác. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền của nhà báo đã thống kê lại số nhà báo (kể cả lái xe, nhân viên tòa soạn, thông dịch viên) bị giết, bị giữ và mất tích từ thập niên 1990.
Kết quả, số nhà báo thiệt mạng mỗi năm tăng đều từ năm 1990 đến 2000, bình quân mỗi năm trên 100 người. Nhưng nguyên nhân bị giết của các nhà báo cũng thay đổi. “Với sự nổi lên của ‘nhà nước Hồi giáo’ IS tại Syria và Iraq, nhiều nhà báo bị tấn công chỉ vì họ là nhà báo. Họ ít bị chết do bom đạn mà bị giết có chủ định” - Robert Mahoney thuộc Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) nói.
Việc một số nhà báo bị bắt cóc và chặt đầu rồi tung lên mạng vào năm 2012 đã khiến các cơ quan báo chí phải hạn chế tối đa việc đưa các phóng viên đến những vùng nguy hiểm. Phóng viên người địa phương được dùng nhiều hơn. Năm 2017 là năm có nhiều nhà báo bị tù nhất trong 3 thập niên qua: 262 người.
“Sáu năm trở lại đây là thời gian nguy hiểm nhất đối với nghề báo - Mahoney, phó giám đốc điều hành CPJ nói - Nhiều nhà báo không bị giết do chiến tranh mà bị giết vì công việc họ đang làm. Philippines, Malta, Slovakia, Nga và Mexico là điểm nóng về số nhà báo chết vì điều tra tham nhũng và ma tuý. Thường họ bị sát hại bởi những tên giết mướn nên rất ít kẻ chủ mưu bị bắt hay ra tòa”.
Thổ Nhĩ Kỳ có số nhà báo bị bỏ tù cao nhất: 73 người, đa số bị bắt sau cuộc đảo chính bất thành và bị nghi ủng hộ giáo sĩ chống đối Gullen hiện đang tị nạn tại Mỹ.