Nghệ An thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc

GD&TĐ - Thời gian qua, Nghệ An đã thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bà con nông dân xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả
Bà con nông dân xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả

Những kết quả tích cực

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích; dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số gần 500 ngàn người, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 40% dân số trên địa bàn miền núi.

Theo bà Lô Thị Kim Ngân- Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An, việc triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Năm 2022, Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc; đặc biệt đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và năm 2022, nhờ đó đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đến nay, tỷ lệ xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia đạt 100%, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%, xã chưa có đường ô tô nội huyện đến trung tâm xã là chỉ còn 2,29%. Đồng bào tích cực lao động, sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục ổn định.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh với 10 dự án (12 tiểu dự án). Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành văn bản triển khai các cơ chế chính sách, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Chương trình.

Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định. Hệ thống các văn bản đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tổng số vốn ngân sách Trung ương năm 2022 phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện Chương trình là 794.972 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 492.540 triệu đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 316 dự án khởi công mới (296 dự án thuộc cấp huyện phê duyệt và 20 dự án thuộc cấp tỉnh phê duyệt).

Trao bò giống cho người nghèo ở vùng cao Nghệ An.

Trao bò giống cho người nghèo ở vùng cao Nghệ An.

Thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm, các chương trình, chính sách dân tộc khác cũng được các cấp, các ngành và địa phương thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Trong đó, với tổng kinh phí năm 2022 là 6100 triệu đồng, địa phương tổ chức cho 40 người có uy tín đi tham quan các tỉnh phía Bắc; tổ chức tập huấn và đi thực tế mô hình cho 312 người có uy tín; thăm và tặng quà Tết cho người có uy tín; tổ chức khen thưởng, biểu dương người có uy tín.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại 7 huyện miền núi, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, thúc đẩy công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ngày tiến bộ, bình đẳng, giảm tỷ lệ định kiến về giới.

Triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh THCS, THPT, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, các đoàn thể hội, phụ huynh, Bộ đội Biên phòng... với số lượng 3.000 người tham gia.

Ngoài ra, thực hiện các chính sách văn hóa, UBND tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 120 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn cho các nghệ nhân dân tộc Thái. Hỗ trợ bảo tồn không gian văn hóa truyền thống tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn và xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn; tổ chức 55 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về giáo dục - đào tạo, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ các trường phổ thông có học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030.

Kết quả, tổng số trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi học mầm non là 29.074 em; học sinh dân tộc thiểu số đi học tiểu học 52.321 em, học sinh dân tộc thiểu số đi học THCS 34.035 em, tổng số trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 663 trường, trong đó số trường học đạt chuẩn quốc gia 401 trường, chiếm tỷ lệ 60,48%.

Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia các chính sách dân tộc trong năm 2022 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ. Các chính sách được thực hiện đầy đủ, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ