Sau bài thi Ngữ văn sáng nay, nhiều thí sinh tỏ ra thoải mái, phấn khởi. Tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, em Nguyễn Quỳnh Tâm là thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi chia sẻ: Đề thi bao quát được kiến thức trong sách giáo khoa. Đề thi có 2 phần, phần đọc hiểu và tập làm văn.
Trong đó, câu làm văn thí sinh có 2 lựa chọn, hoặc làm câu về hình ảnh người lính trường Sơn trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hoặc câu về Thúy Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Em chọn làm câu phân tích hình ảnh Thúy Kiều bởi em thích đề này hơn và nắm khá vững kiến thức.
Thí sinh ra khỏi phòng thi sau môn Ngữ văn |
Trong khi câu làm văn được nhiều thí sinh cho biết không gặp nhiều khó khăn vì đề ra trong sách giáo khoa và đã được thầy cô giáo ôn tập kỹ càng trước đó, thì phần đọc hiểu và nghị luận xã hội được các em quan tâm, bàn tán sôi nổi sau khi rời khỏi phòng thi.
Ngữ liệu của phần đọc hiểu là một đoạn trong bài viết “Bản thân chúng ta là giá trị có sẵn” của tác giả Phạm Lữ Ấn: “Bạn có thể không bẩm sinh mà học giỏi, nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay, nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp, nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba, và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó”.
Chia sẻ với người thân về bài làm |
Theo nhiều thí sinh, văn bản này không có sẵn trong sách giáo khoa, những yêu cầu về kiến thức như xác định phương thức biểu đạt, như tìm biên pháp tu từ, nêu nội dung chính… cũng đã được rèn luyện trước đó. Bởi vậy, đây cũng không phải là điều bất ngờ.
Bên cạnh đó, ngữ liệu này gợi cho thí sinh thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình: “Em nghĩ rằng, mỗi con người sinh ra là một cá thể độc lập và có những ưu – khuyết điểm riêng. Thế nên, thay vì tự ti, chúng ta phải tự tin bảo bản thân, về những giá trị của mình đã có và biết phát huy ưu thế của mình”, thí sinh Minh Ngọc chia sẻ.
Câu nghị luận “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” là câu được học sinh bày tỏ sự thích thú nhất. Thí sinh Trần Phúc Thọ (học sinh Trường THCS Lê Lợi) nói: Với câu hỏi này, phải dựa vào sự hiểu biết và trải nghiệm của học sinh. Bản thân em, nghĩ rằng, đề thi này đề cao tinh thần hiếu học. Đừng ngại khi mình không biết, mà hãy mạnh dạn hỏi thầy cô, các bạn, hoặc những người khác để tìm kiếm câu trả lời, nâng cao hiểu biết của bản thân.
Nhận xét về đề, cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh – giáo viên dạy môn Ngữ văn (Trường THCS Lý Nhật Quang – Đô Lương) cho biết: Đề thi năm nay hay, vừa tầm, bám sát cấu trúc sở đã quy định và đáp ứng yêu cầu của một đề thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đề vừa lấy được điểm cho học trò, vừa có phần khuyến khích tư duy sáng tạo học sinh, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Câu hỏi “đừng xấu hổ”, là một câu ra theo cấu trúc đề mở, sáng tạo, giúp học sinh có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân của mình và phát triển vấn đề, triển khai bài làm.
Ngoài ra, đề thi bao quát được chường trình học, cả trung đại, hiện đại (ở phần tập làm văn) tạo lối mở cho học sinh lựa chọn.
Để làm tốt đề thi này, theo tôi, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi để có thời gian làm bài hợp lý, nắm được kỹ năng để làm từng phần và từng dạng bài, nắm vững tác phẩm.
Cô Hạnh cũng đánh giá, dù đề vừa tầm, không lắt léo, nhưng để được điểm cao, ngoài việc nắng vững kiến thức, làm đầy đủ các ý, thì thí sinh phải có kiến thức xã hội, trình bày rõ ràng, lập luận chặt chẽ, trong sáng, logic và thuyết phục. Bên cạnh đó bài làm của thí sinh còn phải có chất văn riêng, thể hiện được khả năng cảm thụ văn học của mình.