Chủ trì Hội nghị có ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An.
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu chính có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh. Tại đầu cầu của 21 huyện, thành, thị có lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, các trường học đóng trên địa bàn.
Ổn định và phát triển chất lượng giáo dục toàn diện
Năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục Nghệ An đã chủ động, quyết liệt phối hợp và tham mưu hiệu quả các Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030. Bên cạnh đó, đã tích cực chủ trì phối hợp, tham mưu tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đảm bảo nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Ngành đã triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành chương trình, tổ chức sơ kết, tổng kết năm học 2022-2023 đồng bộ, khoa học và đúng kế hoạch; hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2022-2023, quán triệt và triển khai một số nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài. |
Kết thúc năm 2022 toàn tỉnh Nghệ An có 1101 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 75,86%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đề nghị công nhận được 98 trường, trong đó công nhận mới 17 trường và công nhận lại 81 trường.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, với nhiều nỗ lực cố gắng, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững và có bước tiến bộ vững chắc. Trong đó, chất lượng mũi nhọn được phát huy, kết quả học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn đứng tốp đầu cả nước.
Kết thúc năm học, Nghệ An đã có 4 học sinh đoạt Huy chương Vàng và Bạc tại các Kỳ thi Olympic quốc tế; 9 em đạt Huy chương Bạc và 1 em đạt giải Khuyến khích kỳ thi Olympic Toán quốc tế TIMO năm 2023. Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 Nghệ An có 87 em đạt giải, trong đó, có 7 giải Nhất, 32 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải khuyến Khích, xếp vị trí thứ 2 cả nước, sau thành phố Hà Nội.
Giáo dục đại trà được giữ vững, ổn định và có nhiều chỉ số được nâng lên. Đặc biệt là chất lượng dạy học ngoại ngữ có chuyển biến tốt, điểm trung bình môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh nâng lên từ dưới trung bình lên gần 5,5 điểm. Trong danh sách 50 học sinh được UBND tỉnh tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023 có nhiều học sinh ở vùng nông thôn, miền núi. Riêng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 chiếm 12/50 học sinh được tuyên dương, đã khẳng định sự nỗ lực, và chất lượng của học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài. |
Về công tác sắp xếp hệ thống mạng lưới các trường lớp, nhiều huyện đã dành sự quan tâm, đầu tư cho các trường thực hiện chương trình GDPT 2018. Nhiều trường THPT được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy học. Ngành cũng chủ động trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ và được tỉnh đầu tư cấp kinh phí triển khai bài bản, hiệu quả.
Trong năm học này, ngành cũng đã tiếp tục triển khai và xây dựng mới các mô hình trường học, giáo dục đi đầu trong khu vực và cả nước, tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Ngành cũng đã có nhiều đột phá về chuyển đổi số, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực số, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế giáo dục Nghệ An. Môi trường giáo dục cải thiện tích cực, xây dựng văn hóa nhà trường khác với các môi trường khác.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hồ Lài. |
Về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng có những khởi sắc. Trong đó, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp được quan tâm chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, trên cơ sở chuẩn đầu ra của người học sau tốt nghiệp; Tỷ lệ học sinh, sinh viên khá giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp đạt gần 50%; nhiều học sinh, sinh viên của tỉnh đã giành huy chương, chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực và thế giới. Một số ngành nghề bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh, yêu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học và sau đại học. Trong năm 2023, thực hiện chủ trương tái cơ cấu trường học, Nghệ An đã chuẩn bị hoàn thành đề án sáp nhập các trường CĐSP Nghệ An, Trường CĐ VHNT Nghệ An vào Trường ĐH Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An; tham mưu văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào Quy hoạch hệ thống các trường đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung nhóm giải pháp mang tính đột phá
Tại Hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục đi vào phân tích những khó khăn, tồn tại hiện nay. Kiến nghị, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt là trong bối cảnh Nghệ An đang thiếu trên 6500 giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ đến trường vẫn còn thấp, còn nhiều điểm trường lẻ ở tiểu học nên gặp khó khăn trong tổ chức dạy học chương trình GDPT 2018. Công tác phòng chống đuối nước, bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong tổ chức thực hiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, đuối nước xảy ra.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu tuyển sinh đào tạo giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp; Trang thiết bị đào tạo tại một số cơ sở giáo dục còn thiếu so với danh mục thiết bị tối thiểu quy định, nhiều thiết bị quá cũ, lạc hậu. Công tác tuyển sinh được cải thiện hơn song có sự mất cân đối về quy mô giữa các ngành đào tạo; ảnh hưởng đến việc phân phối lao động, chất lượng dạy học, hoạt động nghiên cứu khoa học, điều kiện đảm bảo về chất lượng...
Tại Hội nghị nhiều tham luận của các địa phương cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp trong chỉ đạo xây dựng và giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; hiệu quả trong công tác tài trợ giáo dục, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài. |
Kết luận tại Hội nghị, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND đánh giá cao nhiều kết quả nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2022-2023. Đặc biệt là công tác tham mưu chỉ đạo của Sở GD&ĐT đã tham mưu 3 Nghị quyết trình HĐND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành 7 đề án; phối hợp tổ chức thành công hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Qua đó tác động lớn đến công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ của ngành giáo dục
Trên cơ sở công tác tham mưu chỉ đạo quyết liệt như vậy, giáo dục Nghệ An đã giữ vững và nâng cao chất lượng toàn diện, cả về mũi nhọn lẫn đại trà. Tiếp tục khẳng định Nghệ An là điểm sáng trong dạy và học, làm cho uy tín của ngành giáo dục, của tỉnh được nâng cao so với cả nước. Trong năm vừa qua, ngành giáo dục đóng góp cho tỉnh trong hoàn thành cơ bản chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Biểu dương thành quả ngành giáo dục đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong ngành giáo dục tiếp tục phát huy trong năm học mới. Tập trung giải pháp giải quyết các tồn tại của ngành, của địa phương. Đặc biệt lưu ý đến sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường lớp, giải quyết được tình trạng còn nhiều điểm lẻ ở vùng cao và quy mô lớp học quá tải ở thành phố, vùng thuận lợi.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng cán bộ, quản lý ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ và nghỉ hưu theo chế độ. Ảnh: Hồ Lài. |
Đồng thời yêu cầu ngành giáo dục triển khai bài bản, khoa học nhiệm vụ năm 2023-2024 trên địa bàn gồm 9 nhiệm vụ mầm non phổ thông, 5 nhiệm vụ giáo dục đại học và 5 nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp.
Tham mưu chính sách, phát triển đội ngũ nhà giáo có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, bên cạnh cung cấp kiến thức còn truyền cảm hứng học tập cho học sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung ưu tiên cho đồng bào miền núi khó khăn. Mô hình trường dân tộc bán trú, dân tộc nội trú đã thể hiện nhiều ưu việt. Trong thời gian tới cần tổ chức sớm, bài bản mô hình này ở miền núi để nâng chất lượng giáo dục vùng cao, qua đó nâng chất lượng toàn tỉnh.
Sau Hội nghị này, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị chuyên môn các cấp học để bàn nội dung chuyên sâu, tính thực tiễn từng trường, từng cấp học, từng địa phương.
Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ, các cơ sở giáo dục nâng cao vai trò quản trị, thực hiện cụ thể, tập trung nhiệm vụ tạo sự đột phá. Đối với UBND huyện thành thị quan tâm xem xét triển khai nhiệm vụ giáo dục thật khoa học, hiệu quả phù hợp với thực tiễn. Các địa phương, ban ngành phối hợp, đồng hành với ngành giáo dục đạt kết quả cao nhất. Bởi thành quả ngành giáo dục giúp cải thiện tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong hiện tại và tương lai.
Dịp này, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhận cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022.
Nhiệm vụ trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị cơ sở giáo dục tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ, thực hiện tuyển sinh cho năm học mới. Chuẩn bị tổ chức tựu trường, khai giảng phù hợp với từng địa phương. Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị thực hiện các hình thức tuyên truyền, để việc tổ chức vinh danh học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, đạt điểm cao thi tốt nghiệp THPT có tính lan tỏa, tạo động lực phấn đấu cho học sinh khóa tiếp theo.