Nghệ An bảo đảm chất lượng giáo dục khi sĩ số tăng đột biến

GD&TĐ - Từ đầu tháng 8, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai tuyển sinh đầu cấp với lớp 1 và lớp 6.

Giáo viên THCS tại huyện Yên Thành, Nghệ An chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 6.
Giáo viên THCS tại huyện Yên Thành, Nghệ An chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 6.

Đây được coi là năm học áp lực khi học sinh THCS tăng đột biến, trong khi các đơn vị giáo dục phải đảm bảo cả phổ cập giáo dục lẫn đáp ứng quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên.

Nhiều mô hình trường học

Từ ngày 4 - 6/8 các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Vinh tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 theo hình thức đăng ký trực tuyến.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào học lớp 1; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6. Tiếp tục triển khai hiệu quả dạy học Ngoại ngữ, Tin học theo chương trình GDPT 2018; triển khai tốt các chương trình tăng cường... Trước đó, việc tuyển sinh vào các trường tiên tiến đã hoàn thành vào tháng 6.

Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh diện phổ cập, đối với các phường có trường tiên tiến, học sinh không có nhu cầu có thể đăng ký tuyển sinh đầu cấp vào bất cứ trường công lập trên địa bàn thành phố. Cô Hà Lê Hòa Bình – Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cho hay, qua thống kê sợ bộ, có khoảng 100 học sinh lớp 6 của 2 phường Trường Thi và Hưng Phúc có nguyện vọng tuyển sinh vào trường. Tuy nhiên, con số chính xác phải đợi sau khi kết thúc đợt đăng ký chính thức.

Trường THCS Hà Huy Tập là một trong những đơn vị có sĩ số học sinh đông nhất tỉnh Nghệ An. Dù không thực hiện mô hình trường điểm, nhưng nhiều phụ huynh, học sinh có nguyện vọng theo học tại trường. Với việc học sinh lớp 6 năm nay tăng, cộng với tiếp nhận học sinh từ các phường khác, dự kiến sĩ số/lớp của trường khoảng trên 50 em.

Bà Ngô Thị Nguyệt – Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho hay: Việc tuyển sinh đầu cấp khá khó khăn bởi toàn thành phố tăng 78 lớp, trong đó chiếm tới 73 lớp cấp THCS với hơn 3 nghìn học sinh. Học sinh tăng đột biến, quy mô lớp tăng nên có 5 trường thay đổi từ hạng 2 lên hạng 1.

Để đảm bảo công bằng, đúng nhóm tuyển sinh trong thực tiễn triển khai nhiều mô hình trường lớp, thành phố Vinh tiếp tục tuyển sinh trực tuyến và sử dụng phầm mềm để xếp lớp đầu cấp. Đồng thời yêu cầu các trường tổ chức cho giáo viên bốc thăm lớp chủ nhiệm, tránh tình trạng “chạy cô, chạy lớp”.

Phụ huynh đến đăng ký cho con em học mô hình tiên tiến tại Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An).

Phụ huynh đến đăng ký cho con em học mô hình tiên tiến tại Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An).

Đảm bảo quyền lợi học sinh

Việc tăng học sinh THCS diễn ra ở nhiều địa phương, ngoài thành phố Vinh thì một số huyện có tình trạng tương tự như Diễn Châu, Quỳnh Lưu (tăng khoảng 30 lớp), huyện Yên Thành tăng 38 lớp… Theo các địa phương dự báo, vài năm tới, học sinh THCS sẽ tiếp tục tăng.

Tại huyện Diễn Châu, việc tuyển sinh triển khai từ đầu tháng 8. Theo hướng dẫn, học sinh địa phương nào sẽ tuyển sinh theo danh sách nơi cư trú. Trường hợp học sinh lang thang cơ nhỡ hoặc theo cha mẹ từ địa phương khác đến địa bàn tuyển sinh không có giấy tờ hợp lý các nhà trường sẽ xem xét báo cáo Phòng GD&ĐT để đảm bảo quyền lợi cho các em. Với học sinh lớp 6, đối tượng tuyển sinh là những học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học.

Huyện Yên Thành cũng có kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học tới đến ngày 15/8 hoàn thành. Huyện yêu cầu tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huy động 100% số học sinh trong độ tuổi vào học lớp 1 và học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.

Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho hay, địa phương có sĩ số học sinh THCS tăng cao so với cả tỉnh. Tuy nhiên, việc tăng tương đối đều ở các xã, thị trấn nên không quá căng thẳng về cơ sở vật chất. Về giáo viên THCS trên địa bàn huyện đã từng bước giải quyết tình trạng mất cân đối; không thừa nhiều, nhưng thiếu giáo viên môn tích hợp. Đây cũng là tình trạng chung trên toàn tỉnh.

Trước đó, qua thống kê của Sở GD&ĐT năm học 2023 -2024, toàn tỉnh có trên 232 nghìn học sinh THCS, tăng hơn so với năm học trước hơn 26 nghìn em. Trong khi đó, học sinh bậc THPT chỉ tăng nhẹ và học sinh bậc tiểu học không tăng. Việc tăng sĩ số sẽ gây áp lực nhất định cho các trường trong vấn đề cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong điều kiện không xây dựng thêm trường công lập mới, thì giải pháp trước mắt là tăng lớp và sĩ số/lớp.

Về vấn đề đội ngũ, cấp THCS, năm học tới tăng trên 26 nghìn học sinh, đồng nghĩa thêm khoảng 580 lớp và cần phải bổ sung gần 1.500 giáo viên. Trong khi đó, việc thiếu giáo viên ở các năm trước vẫn diễn ra trầm trọng ở bậc mầm non, tiểu học và thừa thiếu cục bộ ở bậc THCS vẫn chưa được giải quyết.

Đối với bậc mầm non, Nghệ An đang khẩn trương tuyển dụng vào biên chế toàn bộ giáo viên hợp động theo Nghị định 06 và Thông tư 09 của chính phủ. Với các cấp học khác, nếu đã được phân bổ chỉ tiêu, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương tuyển dụng theo quy định để chuẩn bị giáo viên cho năm học mới 2023 - 2024.

Cấp THCS xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ và mất cân đối trong cơ cấu, thiếu nhiều giáo viên môn mới, môn tích hợp trong khi các trường sư phạm chưa đào tạo kịp đáp ứng. Giải pháp đang được triển khai là khuyến khích, huy động giáo viên hiện tại học thêm văn bằng 2 để dạy tích hợp. Dịp hè 2023, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, ngành giáo dục đã phối hợp với các trường sư phạm triển khai tập huấn, bồi dưỡng giáo viên THCS đáp ứng chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.