Chuẩn bị nhiều phương án
Còn hơn 3 tháng nữa Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 mới diễn ra, thế nhưng Nguyễn Ngọc Anh - học sinh lớp 12D1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) đã có chứng chỉ IELTS đạt 6.5 điểm. Nữ sinh này cho biết, nhiều bạn học trong lớp cũng kịp sắm các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế, nhằm có thêm tiêu chí ưu tiên khi xét tuyển đại học.
“Thực tế với 6.5 IELTS vẫn khiến em chưa yên tâm vì trên cả nước có nhiều bạn đạt mức điểm này trở lên. Vì vậy em từng cân nhắc nên tham gia thi tiếp để nâng điểm hay không. Nhưng sau khi tham khảo và nghe thầy cô giáo tư vấn, thì đây là mức điểm đạt ngưỡng xét tuyển đầu vào của nhiều trường ĐH các năm trước. Bởi vậy em quyết định không đầu tư thời gian vào IELTS nữa mà tập trung cho các kỳ thi khác”, Ngọc Anh cho hay.
Em Nguyễn Ngọc Anh - học sinh lớp 12D1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (ngoài cùng bên trái) đã đạt chứng chỉ IELTS 6.5 điểm và tăng cường ôn thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 với mục tiêu vào ngành Sư phạm Tiếng Anh. Ảnh: Hồ Lài. |
Nữ sinh chia sẻ nguyện vọng xét tuyển vào ngành sư phạm Tiếng Anh của Trường ĐHSP Hà Nội và phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường. “Đây là năm thứ 2 trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nên tài liệu và đề thi tham khảo không nhiều. Cấu trúc đề cũng không giống như kỳ thi của ĐH Quốc gia mà chủ yếu kiến thức 2 môn Ngữ văn, Tiếng Anh. Em đăng ký thi đợt tổ chức vào tháng 5, và hiện tự tìm tài liệu ôn tập trên mạng Internet. Bên cạnh đó học 2 môn này ở trường theo lịch ôn thi Tốt nghiệp THPT”, Ngọc Anh nói. Sau khi hoàn thành các kỳ thi riêng, nữ sinh cho biết sẽ dành thời gian tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT.
Trong vài năm gần đây, Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) tổ chức khảo sát và cho thấy nhiều học sinh khối 12 có nguyện vọng tham gia thi đánh giá năng lực. Vì vậy nhà trường đã có nhiều đổi mới trong ôn thi tốt nghiệp THPT để đáp ứng nhu cầu của học sinh.
“Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, nghiên cứu cấu trúc đề thi và có phương án tổ chức dạy học thích hợp. Về phía học sinh cũng phải thay đổi cách học, thay vì chỉ ôn tập theo khối mà phải học đều tất cả các môn. Trên cơ sở nắm vững kiến thức cơ bản, thì các em có thể tự tin tham gia bất cứ kỳ thi nào”, cô Cao Thị Hải An – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 cho hay.
Điều chỉnh ôn tập sau khi có đề minh họa
Trên thực tế, phần lớn học sinh Nghệ An vẫn tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, thầy Ngô Sỹ Hoàng - Phó Hiệu trưởng cho hay chỉ có 45/405 học sinh khối 12 có tham gia thi đánh giá năng lực. Trước hết do học sinh lâu nay đã đăng ký và ôn tập theo định hướng các tổ hợp truyền thống, việc thay đổi cách học, cách thi vào thời điểm lớp 12 khá gấp gáp. Một lý do khác là điều kiện học sinh ở vùng nông thôn còn khó khăn, tham dự kỳ thi riêng của các trường ĐH gây tốn kém nhất định.
Hiện nhà trường đang tăng tốc ôn thi cho học sinh theo các nhóm lớp, tổ hợp môn đăng ký. Đặc biệt sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa năm 2023, nhà trường đã cho giáo viên bộ môn nghiên cứu, phân tích. Qua đó điều chỉnh nhất định trong dạy học, ôn tập cũng như xây dựng ma trận đề thi thử.
Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đến lớp tự học vào buổi tối. Ảnh: Hồ Lài. |
Nghiên cứu đề thi minh họa năm nay, nhiều giáo viên Nghệ An phân tích, các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi nằm ngoài chương trình và sẽ giúp học sinh bớt áp lực.
Thầy Nguyễn Văn Khai (giáo viên Toán) Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) cho biết: "Đề thi minh họa môn Toán về cơ bản vẫn giữ ổn định về độ phân hóa. Tuy nhiên đề vẫn khó hơn so với dự đoán của tôi trước đó, nhất là phần vận dụng và vận dụng cao. Với mức độ phân hóa này, thì đề sẽ làm tốt 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và lấy điểm xét đại học”.
Dù vậy, thầy Thái vẫn lo lắng cho học sinh của trường, với hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số và xuất phát điểm đầu vào thấp. Năm học này, Trường THPT Quế Phong có hơn 400 học sinh lớp 12 và chỉ có gần 30 học sinh chọn tổ hợp môn KHTN, còn lại chọn tổ hợp môn KHXH. Tỷ lệ học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Như vậy các môn học lĩnh vực tự nhiên vốn không phải là thế mạnh của học sinh nhà trường.
Thầy Nguyễn Văn Khai phân tích: “Với với học sinh miền núi, để lấy được hết điểm phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đã là việc không dễ dàng. Các em nhanh quên, tiếp thu chậm. Vì vậy đòi hỏi học sinh phải chịu khó, thầy cô phải ôn luyện thường xuyên và cho các em luyện tập nhiều lần".
Theo thầy Nguyễn Văn Khai thông tin, qua 2 kỳ thi thử do Sở GD&ĐT tổ chức trên hệ thống LMS, kết quả của học sinh nhà trường đối với môn Toán còn đáng lo ngại. Đây cũng là điều đã được lường trước. Tuy nhiên, theo đánh giá giáo viên, kết quả này chưa phản ánh đúng năng lực học sinh, vì nhiều em còn có tâm lý chủ quan, làm bài qua loa, chưa nghiêm túc. Chương trình cũng chưa học xong. Trong thời gian tới, tôi và giáo viên trong tổ ôn thi môn Toán sẽ tăng cường phủ kiến thức cho học sinh, chia nhóm đối tượng để có mức độ ôn thi phù hợp. Đồng thời đôn đốc, nhắc nhở học sinh nỗ lực, quyết tâm hơn trong học tập.
Để hỗ trợ cho các nhà trường, những năm qua Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức các kỳ thi thử trên hệ thống LMS để học sinh thử sức và đánh giá năng lực bản thân. Bên cạnh đó, nhiều trường liên kết với nhau thành cụm, các tổ chuyên môn xây dựng ngân hàng đề và tổ chức thi thử trực tiếp. Qua đó giúp học sinh có cơ hội cọ xát, làm quen tâm lý thi cử. Từ kết cả các đợt thi, bản thân học sinh đánh giá lại kiến thức, năng lực của mình. Nhà trường cũng phân loại, chia nhóm học sinh để tổ chức phụ đạo, tăng cường kiến thức theo năng lực và mục tiêu đặt ra của các em.