Chiều 19/5, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đầu năm 2020, hoạt động du học trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung từ dịch Covid -19. Đặc biệt là khi nhiều quốc gia ngừng cấp thị thực, cấm xuất cảnh, nhập cảnh khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.
Nghệ An hiện có 83 đơn vị tham gia dịch vụ kinh doanh tư vấn du học. Trong năm 2019, các đơn vị đã đưa được 864 học sinh đi du học tại nước ngoài. Trong đó, có 22 đơn vị đưa được từ 15 – 139 học sinh, 10 đơn vị đưa từ 5 – 14 học sinh, 11 đơn vị đưa được từ 1 – 4 học sinh. Ngoài ra, có 14 đơn vị cấp phép trước năm 2019 không đưa được học sinh đi du học.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay các đơn vị tư vấn du học đã dần đi vào ổn định và đa số đã tạo được niềm tin cho học sinh và phụ huynh. Giữ liên lạc với nhà trường và học sinh để thông báo kết quả học tập của học sinh cho phụ huynh và người bảo lãnh.
Ngoài du học Hàn Quốc, Nhật Bản, một số đơn vị đã triển khai các chương trình du học khác như Canada, Đức, Thái Lan, Nga, Phần Lan, Đài Loan… bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, hoạt động du học vẫn có những hạn chế như vẫn còn nhiều đơn vị không có giấy phép hoạt động, một số đơn vị hoạt động không hiệu quả, không đúng với quy định của pháp luật.
Đầu năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã kiểm tra 82 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du học. Trong đó đã phát hiện 15 đơn vị chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, 8 đơn vị nhân viên tư vấn chưa đủ điều kiện, 4 đơn vị chuyển địa điểm hoạt động không báo cáo, 5 đơn vị có tham gia quảng cáo, môi giới tuyển người đi xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, nhiều học sinh sau khi hết thời gian học tiếng ở nước ngoài theo quy định, không đạt đủ điều kiện để vào các ĐH, CĐ và bỏ ra ngoài làm việc chui, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động du học, tiềm ẩn của việc cư trú bất hợp pháp ở các nước.
Những khó khăn vướng mắc hiện nay là do các công ty trong tỉnh chưa có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh tìm đến các công ty ngoại tỉnh đăng ký tư vấn du học. Trong khi đó, một số công ty du học ở Hà Nội mở tại Nghệ An mà không có giấy phép hoạt động.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động du học còn hạn chế do marketing chưa được chú trọng, nghiệp vụ tư vấn của đội ngũ nhân viên, tư vấn viên chưa cao, không kịp thời nắm bắt các thông tin cập nhật về hoạt động du học trên thế giới.
Tại hội nghị, đại diện của các đơn vị cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý để hoạt động du học có hiệu quả. Trong đó, cần đẩy nhanh thành lập hiệp hội tư vấn du học tỉnh Nghệ An. Qua đó nhằm kết nối, hỗ trợ nhau trong hoạt động để cùng phát triển, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các đơn vị hoạt động không phép, lừa đảo học viên, đăng biển quảng cáo không đúng chức năng nhiệm vụ.
Về phía ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các đơn vị tư vấn du học khắc phục, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ tư vấn. Thông tin đầy đủ, công khai về các khóa học, ngành học, các loại phí, kiểm định chất lượng của các trường, cơ sở giáo dục gửi học sinh đến du học. Tránh trường hợp tô hồng thực tế, gây hiểu nhầm, không đúng thực tế cho học sinh và phụ huynh.
Liên quan đến những hạn chế đã nêu ra trong hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động tư vấn du học, xử lý các đơn vị có vi phạm. Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ công khai cụ thể, chi tiết hơn về thông tin các trung tâm tư vấn du học để học sinh, phụ huynh nắm bắt. Ngành cũng sẽ quan tâm, hỗ trợ tối đa các công ty tư vấn du học trong vấn đề pháp lý; thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị nắm bắt, tiếp cận nhu cầu học sinh về du học.