Hội nghị diễn ra vào chiều 30/5 tại thành phố Vinh, Nghệ An, với sự tham gia của gần 600 đại diện đến từ các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh.
Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh có 204 trung tâm ngoại ngữ và 132 đơn vị giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Các đơn vị cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng học tập của người học, nhiều trung tâm phát triển nhanh về quy mô, duy trì tốt chất lượng đào tạo.
Hơn 600 đại biểu đến từ các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Hồ Lài. |
Ngoài chương trình do Bộ GD&ĐT quy định, các tài liệu dạy học của Trung tâm ngoại ngữ đều được Sở GD&ĐT thẩm định, cho phép. Trong năm học 2022-2023, các trung tâm ngoại ngữ đã đã tổ chức được 7.879 lớp với gần 95.000 học viên. Bên cạnh trung tâm tiếng Anh, nhiều trung tâm cũng mở rộng đào tạo ngoại ngữ khác đáp ứng nhu cầu người dân, học sinh như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung...
Tại hội nghị lần này, các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề đào tạo phục vụ nhu cầu thi lấy chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế của học sinh. Đặc biệt là với những em cuối cấp, có mục đích tăng tiêu chí ưu tiên hoặc để xét tuyển thẳng vào lớp 6, lớp 10, hoặc xét tuyển đại học. Trước nhu cầu này, các trung tâm ngoại ngữ cũng đã xây dựng lộ trình, chương trình phù hợp với từng nhóm học sinh để đào tạo hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại hội nghị tổng kết. Ảnh: Hồ Lài. |
Về phía các trung tâm kỹ năng sống đã tổ chức được hơn 4.000 lớp học với gần 80.000 học viên, trong đó có hơn 63.000 học viên ở các lớp học và hơn 16.000 học viên học tại các trung tâm.
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được cũng đã chia sẻ một số thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động tại cơ sở. Chia sẻ và góp ý kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngoài sự phát triển của trung tâm, còn nhằm thực hiện mục tiêu chung là nâng cao năng lực tiếng Anh và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn.
Cần đổi mới hoạt động các trung tâm
Tại hội nghị tổng kết, đại diện đến từ Phòng GD&ĐT của các huyện, thành, thị cũng chia sẻ tham luận về mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn. Trong đó, nhiều huyện đã ban hành đề án tăng cường dạy học tiếng Anh đến năm 2030. Đồng thời giao cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện thí điểm thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường.
Đại diện trung tâm Anh ngữ tại huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài. |
Với chương trình tăng cường, bên cạnh dạy học theo chương trình GDPT 2018, các trường học có thể liên kết với trung tâm ngoại ngữ để mời giáo viên tiếng Anh, giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Các đơn vị thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường phải có cam kết đầu ra với người học, phụ huynh.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục trải nghiệm, ngoài giờ chính khóa của các trường học cũng linh hoạt sáng tạo, có phối hợp với trung tâm kỹ năng để đạt mục tiêu, hiệu quả.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở các trung tâm ngoại ngữ và các trung tâm kỹ năng sống đó là một số trung tâm điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Một số đơn vị sử dụng giáo viên không đúng quy định, nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Một số trung tâm đã dừng hoạt động nhưng không báo cáo về sở để thực hiện các thủ tục đình chỉ, giải thể. Việc triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh ở một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 8 trung tâm ngoại ngữ phải đình chỉ vì hoạt động không hiệu quả.
Nhiều tham luận về đổi mới, nâng cao hoạt động trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống được trình bày tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các trung tâm ngoại ngữ và trung tâm kỹ năng sống trong thời gian qua.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, lãnh đạo Sở đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc công khai thông tin trên phần mềm: http://qltt.ngheanedu.vn:8888/trang-chu và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cơ sở giáo dục biết, lựa chọn, giám sát.
Các trung tâm cần tiếp tục rà soát để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại. Nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho cán bộ quản lý các trung tâm ngoại ngữ thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng.
Sở GD&ĐT Nghệ An khen thưởng các trung tâm hoạt động hiệu quả, có đóng góp tích cực trong công tác xã hội năm học 2022-2023. Ảnh: Hồ Lài. |
Riêng trung tâm ngoại ngữ cần có sự đổi mới tổ chức để đáp ứng nhu cầu người học như: Xây dựng quy chế, quy định phù hợp để tổ chức hoạt động; tăng cường năng lực số và cập nhật các thông tin mới của ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chú ý đến các quyền lợi của giáo viên, nhân viên và học viên; tăng cường công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tăng cường quản lý nhà nước một cách toàn diện đối với các trung tâm ngoại ngữ.
Dịp này, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã khen thưởng cho một số đơn vị có nhiều thành tích trong công tác đào tạo.