Nghệ An: Phối hợp, tăng cường quản lý nhà nước đối với các trung tâm ngoại ngữ

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng cường quản lý nhà nước một cách toàn diện đối với các trung tâm ngoại ngữ, đặc biệt là chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 – 2020 tỉnh Nghệ An
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 – 2020 tỉnh Nghệ An

Chiều 1/10, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 – 2020.

Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu là đại diện các trung tâm ngoại ngữ, Phòng GD&ĐT của 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An hiện 142 trung tâm ngoại ngữ ở 19 huyện, thành, thị, nhưng tập trung nhiều nhất ở thành phố Vinh với 65 đơn vị. Trong đó, có 23 trung tâm có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Trong những năm qua, hoạt động của các trung tâm ngày càng được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu người học. Từ tháng 1/1/2019 đến nay, đã tổ chức được hơn 7.000 lớp với gần 82.000 học viên.

Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 – 2020 tỉnh Nghệ An
 Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngoại ngữ năm học 2019 – 2020 tỉnh Nghệ An

Dù vậy, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ tại Nghệ An vẫn còn một số hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa mang tính chiến lược lâu dài. Một số đơn vị chưa nghiêm túc trong việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn, ít hoặc sử dụng giáo viên không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, đặc biệt là giáo viên người nước ngoài. Việc thanh, kiểm tra chưa thật sự kịp thời dẫn đến một số đơn vị tổ chức hoạt động trước khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nêu ý kiến, đề xuất để hoạt động dạy học ngoại ngữ hiệu quả hơn. Trong đó, vấn đề về Tiếng Anh tăng cường được nhiều người trao đổi. Đây là chủ trương được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua, đặc biệt là tại TP Vinh, huyện Đô Lương.

Theo đó, các nhà trường sẽ mở lớp tiếng Anh tăng cường, trong đó liên kết với trung tâm ngoại ngữ tham gia giảng dạy ngoài giờ chính khóa. Các trung tâm cũng phải đưa ra chương trình dạy học và cam kết học sinh đạt đầu ra theo chất lượng đào tạo khi hoàn thành cấp học.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều trung tâm còn vướng mắc về  việc thống nhất nội dung chương trình tăng cường, vấn đề học phí. Một trung tâm Anh ngữ ở huyện Đô Lương bày tỏ lo ngại khó đạt được cam kết chuẩn đầu ra cho học sinh khi chất lượng đầu vào không đồng đều.

Nghệ An hiện có 23 trung tâm có giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy
Nghệ An hiện có 23 trung tâm có giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy

Phản hồi về những băn khoăn trên, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường là ký kết giữa nhà trường và trung tâm ngoại ngữ. Trong đó, chương trình dạy học đã được phê duyệt và phải có cam kết đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ quốc tế.

Cam kết này nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong quá trình thực hiện, với mục tiêu lớn nhất là đem đến chất lượng cho học sinh. Về vấn đề học phí, nhiều ý kiến cho rằng mức thu cũ không còn phù hợp, Sở đang khảo sát lấy ý kiến để xây dựng mức thu học phí hợp lý trình UBND tỉnh Nghệ An.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Khoa ghi nhận hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trong thời gian qua đã góp phần cải thiện năng lực ngoại ngữ của người học.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động ở các trung tâm ngoại ngữ, Sở yêu cầu các trung tâm phải công khai hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người học cũng như các đơn vị, trường học theo dõi, giám sát.

Tặng giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho các trung tâm có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ
Tặng giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho các trung tâm có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ

Các trung tâm cũng cần tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ năng lực chuyên môn, tổ chức các hội thảo để đổi mới, sáng tạo việc dạy và học và xem đây là động lực để phát triển hiệu quả, phát huy thương hiệu và uy tín của các trung tâm.

Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng cường quản lý nhà nước một cách toàn diện đối với các trung tâm ngoại ngữ, đặc biệt là chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Dịp này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã tặng Giấy khen cho 10 trung tâm có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ