Cùng chủ trì hội nghị có Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GDTX Vũ Thị Tú Anh. Tham dự hội nghị có hàng trăm đại biểu đến từ Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các trường đại học và đại diện một số trung tâm ngoại ngữ, tin học (NNTH) trong cả nước.
Theo đó, hội nghị nhằm đánh giá những tích cực, hạn chế của Thông tư 21 qua 1 năm thực hiện, đồng thời bàn giải pháp “cởi trói”, gỡ bỏ những khó khăn trong tổ chức và hoạt động của các trung tâm NNTH.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Thông tư 21 có nhiều điểm mới, “cởi trói”, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hoạt động của các trung tâm NNTH. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, Thông tư 21 còn những khó khăn, vướng mắc, vì vậy thông qua hội nghị này tôi mong lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các nhà quản lý, trường đại học, các trung tâm nêu lên những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo cơ chế tốt nhất cho hoạt động của các trung tâm NNTH.
Tại hội nghị, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT, Vũ Thị Tú Anh đã báo cáo tóm tắt tình hình 1 năm thực hiện Thông tư 21. Thông tư 21 ra đời thay thế Thông tư 03/2011 đã có nhiều điểm mới như: đối tượng áp dụng được mở rộng, quy định mới về pháp nhân loại hình trung tâm NNTH tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài; bổ sung quyền và trách nhiệm của trung tâm NNTH; mô hình tổ chức, bộ máy tư thục mở; bổ sung, làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của các nhóm giáo viên dạy tại trung tâm NNTH; quy định mới về địa điểm, hoạt động liên kết; quy định đầy đủ các hình thức dạy học và quản lý dạy học; quy định về tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các tổ chức liên quan.
Phó Vụ Trưởng phụ trách vụ GDTX, Bộ GD&ĐT Vũ Thị Tú Anh tóm tắt tình hình 1 năm thực hiện Thông tư 21 |
Thông tư 21 đi vào cuộc sống tạo cơ chế thoáng hơn cho hoạt động của các trung tâm NNTH. Vì vậy, chỉ sau 1 năm thực hiện, số trung tâm NNTH đã tăng lên 1/3.
Hội nghị được nghe đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh báo cáo tham luận về thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của các trung tâm NNTH tại các địa phương. Từ những kết quả đã đạt được, khó khăn vướng mắc, các đại biểu kiến nghị những giải pháp tháo gỡ.
Hội nghị với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các trường đại học và đại diện một số trung tâm NNTH |
Các đại biểu đưa ra những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện thông tư, đồng thời đề xuất những giải pháp như: tăng cường công tác thanh, kiểm tra các trung tâm; làm rõ tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng; quy định giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; những quy định cụ thể về tổ chức giảng dạy qua mạng; quy định cụ thể hơn về cơ sở vật chất, chuyển đổi địa điểm, thay đổi chủ đầu tư...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến và giải pháp được các đại biểu đưa ra |
Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GDTX Vũ Thị Tú Anh giải đáp những băn khoăn của các đại biểu về một số quy định tại Thông tư 21. Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Tú Anh ghi nhận những đóng góp, sáng kiến của các đơn vị để từ đó có những đề xuất, tham mưa với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận, hoạt động của các trung tâm NNTH góp phần nâng cao chất lượng NNTH cho các em học sinh, nhân dân cả nước, nâng cao chất lượng học tập cộng đồng.
Qua nghe ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu lãnh đạo các Sở GD&ĐT cần tập trung vào 5 nội dung cơ bản: nâng cao nhận thức của nhân dân về sự tồn tại các trung tâm NNTH; đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất các trung tâm; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra; tăng cường hoạt động liên kết dựa trên các căn cứ pháp lý của nghị định 43/2006; các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, đồng thời công khai minh bạch những trung tâm NNTH trên địa bàn để tạo cơ chế tự quản lý giám sát.