Trong đó lưu ý, việc tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường có giáo viên người nước ngoài được thực hiện theo đúng các qui định, trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận và nhu cầu của học sinh, phụ huynh học sinh.
Trong các giờ dạy của giáo viên nước ngoài phải có giáo viên Việt Nam tham gia trợ giảng. Giáo viên nước ngoài tham gia hỗ trợ, tư vấn cho giáo viên Việt Nam để đánh giá năng lực, kỹ năng của học sinh, song không tham gia trực tiếp kiểm tra và cho điểm học sinh; không dạy thay cho giáo viên Việt Nam các nội dung trong sách giáo khoa.
Nội dung, chương trình giảng dạy phải bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, phù hợp với đối tượng học sinh, không gây quá tải; tập trung củng cố, nâng cao kỹ năng nghe và nói, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp.
Các cơ sở giáo dục, các trường phối hợp với các đơn vị, trung tâm ngoại ngữ xây dựng chương trình phù hợp với đối tượng học sinh theo từng lớp; chịu trách nhiệm quản lý kế hoạch giảng dạy, chương trình giảng dạy của giáo viên nước ngoài.
Học sinh có nhu cầu học tiếng Anh tăng cường có giáo viên người nước ngoài được sắp xếp lớp theo năng lực phù hợp; mỗi lớp không quá 35 học sinh.
Thời gian tổ chức dạy học tăng cường được bố trí ngoài thời gian học chính khóa. Thời lượng không quá 2 tiết/tuần/lớp đối với cấp tiểu học (lớp 3,4,5) và 3 tiết/tuần/lớp đối với cấp THCS và THPT.
Đối với các trường mầm non và trường tiểu học (lớp 1,2) có triển khai chương trình làm quen tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, thời lượng từ 1 đến 2 tiết /tuần. Không tổ chức dạy trong thời gian học chính khóa.
Các trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh tăng cường có giáo viên nước ngoài phải báo cáo, xin ý kiến phê duyệt của Phòng GD&ĐT trước khi triển khai thực hiện.
Các Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm về việc quản lý hoạt động dạy học tăng cường tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài tại các cơ sở giáo dục, trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn.