Nghệ An: Nạn mua bán trẻ em gái diễn biến phức tạp

GD&TĐ - Ba tháng cuối năm 2018, lực lượng chức năng Nghệ An bắt giữ nhiều “mẹ mìn” tham gia đường dây mua bán người sang Trung Quốc. Nạn nhân là các em gái tuổi từ 14 – 16 tuổi, đã nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều đáng nói, những vụ mua bán người này có sự tham gia, thỏa thuận của gia đình và cả chính bị hại.

Xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An), nơi có nhiều phụ nữ bị đưa sang Trung Quốc trái phép
Xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An), nơi có nhiều phụ nữ bị đưa sang Trung Quốc trái phép

Cuộc trốn chạy khỏi người quen

Cháu Chương Thị M. (SN 2003, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) học đến lớp 9 thì nghỉ học vì muốn đi làm, phụ giúp bố mẹ. Nhưng ở xã vùng cao này, ngoài làm rẫy ra, cũng không có công việc nào khác cho cô gái trẻ. Thời điểm cuối năm 2017, một phụ nữ tên Lang Thị Liên (SN 1984) quê ở xã Mậu Đức cùng huyện từ Trung Quốc trở về thăm nhà. Liên đến chơi nhà M. với vẻ ngoài giàu có, ngỏ lời muốn M. sang trông con nhỏ giúp mình đi làm, vì người trong huyện với nhau thì tin tưởng và yên tâm hơn. Chị Lô Thị Đ. (SN 1981), mẹ của M., nghe vậy rất mừng nên đồng ý cho con gái đi làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Sau đó vài ngày, Lang Thị Liên đưa M. ra thị trấn Con Cuông bắt xe đi Móng Cái (Quảng Ninh) rồi vượt biên sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Liên đã đưa cháu M. về nhà mình tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Nhưng sang đây, thay vì cho M. ở nhà trông trẻ như lời hứa trước đó, Lang Thị Liên gọi người đến xem mặt và bán M. với giá 7 vạn NDT. Liên gửi về cho mẹ của M. 80 triệu đồng và báo tin cháu đã lấy chồng Trung Quốc.

Sau khi nhận được thông tin con gái sang xứ người không phải là để đi làm mà đã bị bán làm vợ người ta, chị Lô Thị Đ. tìm mọi cách liên lạc với con nhưng không được. Dò la tin tức khắp nơi thì được biết chị Vi Thị Thắm (SN 1978, trú tại xã Đôn Phục, H. Con Cuông) từng có thời gian sinh sống bên Trung Quốc. Chị liền nhờ Thắm sang bên đó tìm đón con gái mình trở về Việt Nam.

Một số cô gái sau khi xuất ngoại trái phép may mắn được quay trở về quê
  • Một số cô gái sau khi xuất ngoại trái phép may mắn được quay trở về quê

Thương hoàn cảnh gia đình chị Đ., chị Thắm đồng ý tìm đường đến nhà chồng của M. Sang đến nơi, tìm được M. cả 2 nhanh chóng chạy trốn về Việt Nam. Nhưng mới đi được hơn 5km thì bị Lang Thị Liên cùng một số người phát hiện và bắt lại. Liên còn gọi điện cho chồng chị Thắm đòi 11 vạn NDT để chuộc người và dọa “nếu không có tiền thì sẽ cắt gót chân cháu M.”.

Thấy tình thế nguy hiểm, gia đình chị Thắm và cháu M. trình báo với cơ quan chức năng. Nhận được tin, Công an Nghệ An đã phối hợp với công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) liên lạc với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và công an Trung Quốc giải cứu chị Vi Thị Thắm và cháu Chương Thị M. Riêng Lang Thị Liên, phía Trung Quốc không trao trả nhưng lực lượng chức năng Nghệ An vẫn tiếp tục theo dõi. Đến cuối tháng 11 vừa qua, biết tin Liên về thăm gia đình nên lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ.

Những cuộc ngã giá và lá đơn kêu cứu

Cơ quan chức năng tại Nghệ An cho biết, nhiều vụ đưa phụ nữ, trẻ em gái sang Trung Quốc có sự thỏa thuận và đồng ý từ phía gia đình. Ngày 14/12, Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Moong Thị Mùi (1988, trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, H. Kỳ Sơn) về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An vừa qua, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin, thời gian gần đây, tình trạng mua bán người trên địa bàn diễn biến phức tạp. Trong năm 2018, cơ quan công an đã bắt giữ 16 vụ, giải cứu hơn 40 nạn nhân. Trong đó tình trạng một số phụ nữ dân tộc có thai từ 6 - 8 tháng được một số đối tượng đưa sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. 

Trước đó, đầu năm 2016, Mùi đến gia đình ông Lữ Văn Th. (1976), bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu vì để ý thấy 2 cô con gái của ông Th. lớn phổng phao, xinh xắn. Qua trò chuyện, Mùi biết gia đình ông Th. thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, cần một khoản tiền để mua gia súc về chăn nuôi. Mùi cho biết sẽ giúp gia đình thoát nghèo, có vốn làm ăn bằng việc cho con gái đi nước ngoài: “Nhà anh chị có 2 đứa con gái, có đứa nào muốn sang Trung Quốc lấy chồng không, nếu đi họ trả nhiều tiền lắm”. Người phụ nữ “tốt bụng” cũng hứa hẹn chỉ cần đi khoảng 2 - 3 năm là các con ông Th. lại được về quê.

Đối tượng Moong Thị Mùi

Ông Th. nghe vậy thấy xuôi tai nên cho con gái thứ 2 là Lữ Thị C. theo Mùi xuất ngoại. Cô bé sau đó lấy chồng ở Trung Quốc, có con nhưng gia đình chồng suốt ngày “cấm cửa”. Sợ hãi, buồn chán, Lữ Thị C. xin về Việt Nam thì được nhà chồng đồng ý với điều kiện để đứa con ở lại. Ngoài Lữ Thị C., năm 2017, Mùi cũng “giúp đỡ” em Cụt Thị S. (cùng trú tại Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) sang Trung Quốc khi em chưa đến 16 tuổi.

Công an huyện Tương Dương, Nghệ An cũng vừa đưa 2 cháu Lìn Thị E T. (sinh năm 2000) và Mong Thị T. (sinh năm 2001) cùng trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 2015 trở về đoàn tụ với gia đình.

Đối tượng Lang Thị Liên

Gia đình của 2 cháu trước đó đã có đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng về việc con gái mất tích. Sau thời gian điều tra, theo dõi, công an đã bắt giữ Lữ Thị Nhom (SN 1993). Cô gái 9X này trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An nhưng đã sang Trung Quốc sinh sống. Biết được các xã vùng cao ở quê mình có nhiều nữ sinh bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc muốn đi làm việc kiếm tiền, Nhom đã móc nối với một số đối tượng thiết lập đường dây mua bán trẻ em.

Theo Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương, rất nhiều trường hợp chị em phụ nữ sang Trung Quốc không phải bị ép buộc, lừa bán, mà bản thân họ muốn đi. Thậm chí đã có thỏa thuận, mặc cả với chính người đưa đi. Sự việc chỉ bị phát hiện sau khi người đã rời khỏi địa bàn. Hoặc sau khi sang đến nơi, bị bóc lột sức lao động, giam cầm, cuộc sống tủi cực mới liên lạc với gia đình để cầu cứu cơ quan chức năng.

Dẫn chứng cụ thể là trong những vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ thì chính nạn nhân là người “ngã giá” để tự bán mình sang Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng còn ỷ lại, lười lao động, muốn kiếm tiền nhanh chóng, nên dễ bị lừa phỉnh sang Trung Quốc làm ăn “việc nhẹ lương cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.