Năm 2022, tỉnh Nghệ An được trung ương bố trí 2.820 biên chế giáo dục và đào tạo/27.000 người của toàn quốc. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định bổ sung chỉ tiêu trên kèm phân bổ chi tiết về cho Sở GD&ĐT và các huyện, thành, thị. Cụ thể, bậc mầm non là 2.164 biên chế, tiểu học là 498, THCS là 142 và THPT là 16.
Sau khi thống nhất ý kiến với Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, Sở GD&ĐT và các địa phương được phân bổ 3.013 chỉ tiêu (gồm 2.820 định biên được trung ương bổ sung và quỹ biên chế hàng năm của UBND tỉnh Nghệ An).
Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho rằng sau khi phân bổ chỉ tiêu, nhiều địa phương chậm tổ chức tuyển dụng giáo viên. Ảnh: B.P. |
Văn bản cũng yêu cầu các địa phương cần thực hiện tuyển dụng đối với giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGD ĐT- BTC - BNV. Việc tuyển dụng này phải được hoàn thành trước ngày 30/1/2023.
Tuy nhiên sau hơn nửa năm, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành tuyển dụng. Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Nghệ An, trong phiên thảo luận 2 ngày 5-6/7, nhiều đại biểu cho biết việc tuyển dụng giáo viên tại các địa phương quá chậm. Cụ thể, mới chỉ có các trường THPT đã hoàn thành tuyển dụng với 16 chỉ tiêu. Đối với giáo dục cấp huyện, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 2.997 người, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 796 người. Như vậy, vẫn còn tới hơn 2.000 biên chế giáo viên vẫn chưa được tuyển dụng, trong đó có hơn 1.000 người là giáo viên mầm non hợp đồng 06, 09.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai - giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06 đang công tác tại Trường Mầm non Minh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài. |
Huyện Yên Thành được phân bổ 392 chỉ tiêu nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được một người nào vào biên chế, kể cả 238 giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 và 09 - nhiều nhất tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai (giáo viên Trường Mầm non Minh Thành, huyện Yên Thành) vốn là giáo viên hợp đồng dạy Âm nhạc của Trường Tiểu học Minh Thành từ năm 2007. Đến năm 2016, cô học thêm bằng trung cấp mầm non và chuyển xuống bậc học này dạy hợp đồng theo Thông tư 09 với lương và các chế độ phụ cấp tương đương viên chức.
Năm 2022, huyện Yên Thành tuyển dụng một số vị trí giáo viên tiểu học, cô Thanh Mai nộp hồ sơ dự thi nhưng không trúng tuyển vị trí giáo viên Âm nhạc như nguyện vọng. Đến nay, cô vẫn chưa được vào biên chế dù nghe thông tin huyện có hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng cho giáo viên mầm non diện 06, 09.
Trên toàn tỉnh sau gần nửa năm được bổ sung chỉ tiêu, mới có 9 địa phương hoàn tất việc tuyển dụng gồm; thị xã Cửa Lò, huyện Con Cuông, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và thị xã Hoàng Mai.
Nhiều địa phương chưa hoàn thành tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09. Ảnh: Hồ Lài. |
Trả lời các đại biểu về việc chậm tuyển dụng giáo viên tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, ngay khi có phân bổ chỉ tiêu biên chế của Trung ương, UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã triển khai hết sức khẩn trương. Bao gồm từ phân bổ chỉ tiêu cho các huyện đến ban hành các văn bản, công văn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
"Tuy nhiên, nhiều huyện làm rất chậm. Có đơn vị tỉnh phân bổ chỉ tiêu nhưng phải đến 3 tháng mới xây dựng kế hoạch tuyển dụng, UBND huyện trình ban chỉ đạo thống nhất biên chế của huyện thêm 1 tháng, sau đó mới trình lên Sở Nội vụ thẩm định... "– ông Nguyễn Viết Hưng nói.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, trong quá trình triển khai thực hiện tuyển dụng giáo viên, Sở đã hết sức trách nhiệm, liên tục đôn đốc và mở nhiều kênh tiếp nhận thông tin tiếp nhận phản ánh về khó khăn, vướng mắc từ các địa phương để kịp thời tháo gỡ.
Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng: Bí thư, Chủ tịch các huyện cần chỉ đạo phòng, ban chuyên môn thực hiện nghiêm túc các quyết định, yêu cầu của lãnh đạo tỉnh về tuyển dụng giáo viên.
Việc chậm tuyển dụng không chỉ khiến giáo viên chờ đợi thấp thỏm, mà hoạt động giáo dục của các đơn vị trường học cũng ảnh hưởng. Qua thống kê của Sở GD&ĐT, Nghệ An hiện còn thiếu khoảng 7.800 biên chế, trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6 nghìn người, tiếp đó là bậc tiểu học, THCS và THPT và đội ngũ nhân viên trường học.