Cơ hội biên chế cho hàng ngàn giáo viên hợp đồng Nghệ An

GD&TĐ - Nghệ An thiếu khoảng 7.000 giáo viên, trong khi có 2.000 giáo viên hợp đồng ở nhiều cấp học chưa được tuyển dụng vào biên chế.

Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Quang Trung (TP Vinh-Nghệ An).
Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Quang Trung (TP Vinh-Nghệ An).

Năm học 2022 - 2023, Nghệ An được bổ sung 2.820 biên chế giáo dục và đào tạo và đã có quyết định phân bổ về các địa phương, đơn vị.

Chờ đợi và hy vọng

Thầy Lương Quốc Cường vào nghề từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn là giáo viên hợp đồng, dạy môn Tin học tại Trường Tiểu học Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An).

“Năm thứ 13 công tác, mức lương của tôi giờ vẫn từ 2 - 3 triệu/tháng, không đủ để chi trả sinh hoạt và nuôi con đi học. Chỉ riêng xăng xe đi lại đến trường ở huyện vùng cao này đã chiếm một khoản tiền không nhỏ. Vì vậy, tôi phải làm thêm ở một số cửa hàng tại thị trấn để trang trải cuộc sống, nhưng công việc không đều”, thầy Lương Quốc Cường chia sẻ.

Cũng theo thầy giáo người Thái, những năm qua gắn bó với nghề giáo vì tâm huyết và mong muốn học sinh vùng cao sớm được tiếp cận với Tin học. Nhưng môn học này trong chương trình hiện hành là môn tự chọn, nên thầy chỉ biết chờ đợi cơ hội trở thành giáo viên chính thức. Theo Chương trình GDPT 2018, môn Tin học là môn bắt buộc từ lớp 3, thầy hy vọng khi có biên chế giáo viên Tin học tiểu học, lãnh đạo các cấp xem xét, tạo điều kiện để được tuyển dụng.

Tương tự, cô Phan Thị Huyền là giáo viên hợp đồng, dạy môn Sinh học tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đã 12 năm. Kể từ thời điểm tốt nghiệp sư phạm Vinh năm 2011 đến nay, cô vẫn chưa có cơ hội được vào biên chế.

Nhưng cô luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, tâm huyết với nghề. Đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018, cô cũng tham gia tập huấn, tự học nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp môn Khoa học Tự nhiên.

“Hiện lương của tôi khoảng 6 triệu/tháng. Tôi cũng được tăng lương, có chế độ phụ cấp và tham gia sinh hoạt chuyên môn, thi giáo viên giỏi của ngành. Nhưng dịp hè giáo viên hợp đồng chỉ có lương cứng, không có phụ cấp đứng lớp. Thiệt thòi nhất là giáo viên hợp đồng sẽ không được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp cũng như thi, xét thăng hạng. Cứ kéo dài như vậy, tôi lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình”, cô Huyền nói.

Hoàn cảnh của cô Huyền rất vất vả khi cách đây 6 năm, chồng cô cũng là giáo viên trường THPT trên địa bàn đột ngột qua đời. Một mình cô nuôi 2 con nhỏ với đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi. May mắn cô sống cùng bố mẹ chồng và được hỗ trợ, động viên tinh thần.

Trường THCS Lê Thị Bạch Cát hiện có 4 giáo viên, nhân viên hợp đồng. Đó là cô Phan Thị Huyền (GV Sinh học), cô Đào Thị Huyền (GV Hóa học), cô Đặng Thị Hà (GV Ngữ văn kiêm Tổng phụ trách Đội), cô Hoàng Thị Hoài Thương (nhân viên văn thư). Trong đó cô Hà nhiều tuổi nhất, sinh năm 1977 và hợp đồng gần 20 năm.

Theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Duy Hợi, mặc dù còn nhiều thiệt thòi nhưng những năm qua, giáo viên, nhân viên hợp đồng tích cực tham gia mọi nhiệm vụ, đạt nhiều thành tích trong dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi và hoạt động giáo dục khác.

Như cô Đào Thị Huyền là giáo viên dạy giỏi tỉnh môn Hóa học. “Nhà trường đánh giá cao năng lực chuyên môn của giáo viên hợp đồng, họ được đào tạo cơ bản, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Chúng tôi cũng mong các cơ quan cấp trên tạo điều kiện cho thầy cô sớm vào chính thức để có chế độ, quyền lợi xứng đáng với năng lực làm việc và cống hiến”, thầy Hợi cho hay.

Giờ học tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Giờ học tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Tuyển dụng phù hợp và tối ưu

Sở GD&ĐT được giao bổ sung 16 biên chế. Trong đó, các Trường THPT Dân tộc nội trú số 2, Cửa Lò, Nghi Lộc 4, Nghi Lộc 5, Quỳnh Lưu 1, Đô Lương 3, Nguyễn Sỹ Sách, Hoàng Mai 2 - mỗi đơn vị được bổ sung 1 biên chế. Còn các Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Huy Tập, Lê Viết Thuật, Nghi Lộc 3 mỗi trường được bổ sung 2 biên chế.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định phân bổ 2.820 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023 cho 21 huyện, thành thị và sở GD&ĐT. Trong đó mầm non là 2.164, tiểu học là 498, THCS là 142 và THPT là 16 biên chế. Trên cơ sở rà soát số lượng và nhu cầu giáo viên thực tế, UBND tỉnh Nghệ An đã phẩn bổ số định biên được giao về cho từng địa phương, đơn vị cụ thể.

Theo đó, huyện Yên Thành được bổ sung nhiều nhất với 292 biên chế. Tiếp đến là huyện Diễn Châu với 251 biên chế, huyện Quỳnh Lưu 245 biên chế, TP Vinh với 219 biên chế, huyện Thanh Chương 172 biên chế… Đặc biệt, quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cũng dành 1.330/2.820 biên chế cho tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT- BTC-BNV.

Qua thống kê, toàn tỉnh Nghệ An còn hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09. Nhưng từ sau năm 2021, các văn bản trên hết hiệu lực, Nghệ An đang chi ngân sách tỉnh để trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng. Cùng với phân bổ chỉ tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng giao UBND các địa phương triển khai tuyển dụng hết số giáo viên mầm non hợp đồng 06, 09 vào biên chế.

Ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu cho hay, việc được phân bổ biên chế là tin mừng đối với huyện để kịp thời bổ sung giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học. Theo đó, Diễn Châu được giao 251 biên chế, trong đó bậc mầm non là 193 (để tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo 06, 09 là 34; bổ sung mới là 159); tiểu học là 45; và THCS là 13. Với số biên chế này, ngành sẽ tham mưu tuyển hết giáo viên mầm non 06, 09. Riêng tiểu học ưu tiên tuyển giáo viên văn hóa để đứng lớp và THCS sẽ tuyển giáo viên môn mới.

Trong khi đó, ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho biết, địa phương được phân bổ 39 biên chế, trong đó bậc mầm non có 29 chỉ tiêu, tiểu học 8 chỉ tiêu và THCS 2 chỉ tiêu. “Thị xã đã tuyển hết giáo viên mầm non 06, 09 từ quỹ biên chế của địa phương, nên số chỉ tiêu mầm non được giao chúng tôi sẽ tuyển mới.

Với tiểu học và THCS cần cân đối vì đội ngũ hiện có thừa thiếu cục bộ. Riêng cấp THCS còn 14 giáo viên hợp đồng thị xã đều có vất vả riêng, trong khi biên chế được giao 2 người. Việc tuyển dụng đang xây dựng kế hoạch phù hợp và tối ưu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ