Nghệ An lần đầu tiên tổ chức thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trực tuyến

GD&TĐ - Ngày 27/12, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh học sinh trung học năm 2021- 2022. Năm nay, thay vì thi tập trung, phần trình bày dự án KHKT sẽ được chấm trực tuyến.

Nghệ An tổ chức khai mạc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến.
Nghệ An tổ chức khai mạc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến.

Cuộc thi KHKT học sinh trung học năm học 2021-2021 tỉnh Nghệ An sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 27-30/12.

Năm nay, cuộc thi thu hút 172 dự án tham gia, trong đó có 78 dự án ở bậc THCS và 94 dự án ở bậc THPT. Cuộc thi cũng đã quy tụ hơn 300 học sinh tham gia đến từ 127 trường THCS và THPT trong toàn tỉnh.

Đây là cuộc thi thường niên nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tiễn cuộc sống; đồng thời góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực học sinh.

Trong điều kiện nhiều địa phương, trường học đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh, năm nay cuộc thi được tổ chức hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trong đó, vòng 1 chấm trực tiếp hồ sơ dự án mà các nhóm tác giả đã gửi về cho Ban tổ chức. Ở phần thi này, giám khảo sẽ đánh giá dự án theo các tiêu chí: Câu hỏi nghiên cứu/Vấn đề nghiên cứu; Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu; Thực hiện kế hoạch nghiên cứu. Kết quả chấm độc lập giữa các giám khảo.

Vòng 2, nhóm tác giả trình bày dự án và trả lời phỏng vấn của ban giám khảo theo hình thức trực tuyến. Những năm trước, toàn bộ thí sinh dự thi sẽ đưa mô hình dự án tập trung về TP Vinh để trưng bày và giới thiệu.

Nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, lần đầu tiên phần thi này sẽ được chấm trực tuyến. Giám khảo chấm theo các tiêu chí: Tính sáng tạo, nội dung và khả năng trình bày về dự án, trả lời phỏng vấn. Kết quả chấm độc lập giữa các giám khảo.

Mỗi thí sinh và mỗi giám khảo được cấp 1 tài khoản để tham gia thi và chấm thi vòng 2. Để phục vụ cho trình bày về dự án, thí sinh có thể chuẩn bị nội dung trình bày trên file word hoặc powerpoint. Ngoài ra có thể sử dụng các video, hình ảnh,… để minh họa cho phần trình bày.

Đối với các minh chứng cho quá trình nghiên cứu như sổ tay nghiên cứu khoa học, thí sinh cung cấp hình ảnh giám khảo khi trình bày và trả lời phỏng vấn. Thời gian trình bày không quá 10 phút, phỏng vấn không quá 10 phút/lần.

Để tổ chức cuộc thi, mỗi đơn vị dự thi thành lập 1 địa điểm để tổ chức cho thí sinh tham gia thi Phần 2. Ngoài ra, mỗi dự án dự thi thuộc 1 lĩnh vực được bố trí 1 phòng có 1 đến 2 máy tính được kết nối Internet, có loa, micro, camera để các thí sinh dự thi.

Năm nay, theo quy chế, chỉ những hồ sơ được Giám đốc Sở GD-ĐT phê duyệt đủ điều kiện dự thi mới được tham dự.

Sau khi chấm xong 2 phần thi, ban tổ chức sẽ chọn ra các dự án xuất sắc ở mỗi lĩnh vực vào vòng chung khảo để chấm vòng 3, chọn sản phẩm dự thi KHKT quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.