Mỗi ngày, đều đặn hai buổi sáng và chiều, trước cổng trường Mầm non Thanh Khai (huyện Thanh Chương, Nghệ An) lại xuất hiện chiếc xe đưa đón học sinh đặc biệt. Đó là chiếc xe trâu của anh Văn Đình Ngọc, trú tại xóm Chùa cùng xã. Hơn một năm qua, bất kể mưa nắng, người đàn ông dáng người mảnh khảnh, đi lại khó khăn (do bị dị tật ở chân) này luôn nhẫn nại với công việc “tài xế” mà không hề lấy tiền công.
Anh Văn Đình Ngọc năm nay 34 tuổi, có vợ và 3 con nhỏ. Vợ anh làm công nhân nhà máy gạch đi sớm về khuya, anh Ngọc do sức khỏe yếu đảm nhận việc đưa đón các con tới trường. Cuối năm ngoái, trong lần đạp xe đưa cháu thứ 2 tới trường mầm non thì hai cha con bị ngã.
Mặc dù không bị thương nhưng từ đó anh Ngọc sợ đi xe vì thấy không an toàn cho con. Lúc đó, anh Ngọc chợt nghĩ đến chiếc xe trâu sẵn có của gia đình và tận dụng, cải tiến dùng làm phương tiện thay xe đạp.
Nhiều người dân ở xóm Chùa và xóm Văn Ngọc (xã Thanh Khai) ban đầu rất tò mò khi thấy người đàn ông dùng xe trâu sáng đưa con tới trường, chiều đón về. Những ngày sau đó, dọc đường đi, bắt gặp các cháu nhỏ ở quanh xóm có bố mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà già, anh Ngọc ngỏ ý đón các cháu cùng đi. Thấy anh hiền lành tốt bụng, hơn nữa chiếc xe chạy bằng động cơ... “trâu” chậm rãi, từ tốn nên đồng ý.
Vậy là buổi sáng, sau khi thức dậy cho trâu ăn, lau chùi chiếc xe sạch sẽ, anh Ngọc đánh xe qua những đoạn đường khúc khuỷu trong xóm đón những vị khách nhí đã đợi sẵn trước cổng. Buổi chiều, anh Ngọc lại đến đón các cháu từ trường về nhà trên quãng đường khoảng 2 km.
Khi số hành khách lên gần 20 cháu, anh Ngọc tính chuyện cải tiến chiếc xe để che nắng mưa, đảm bảo an toàn. Anh mày mò thiết kế một bản vẽ với thùng xe làm bằng lan can sắt, phía trên có mái che kèm dải riđô xung quanh chắn gió và ba thanh gỗ là ghế ngồi. Anh cũng huấn luyện con trâu hơn 4 năm tuổi cho thuần thục từ cách móc ách xe, đỡ càng, hoặc có thể tự tránh phương tiện tham gia giao thông trên đường.
Đến nay thì lũ trẻ xóm Chùa và xóm Văn Ngọc đã quen thuộc với hình ảnh "bố Ngọc” đưa đón. Mỗi khi nhìn thấy bóng dáng chiếc xe đặc biệt, mấy đứa nhỏ đã vẫy tay rối rít từ xa. "Tôi cho trâu dừng lại cách đó 1 đoạn, rồi xuống xe bế các cháu lên xe. Chúng nó ngồi nói chuyện, hát, đùa nghịch rộn ràng suốt quãng đường, khiến tôi cũng vui lây. Chỉ trừ cuối tuần các em được nghỉ học thì tôi mới không đi, chứ bây giờ không được đón chúng lại thấy nhớ” - anh Ngọc chia sẻ.
Ông Văn Đình Hường (68 tuổi) - có cháu nội được anh Ngọc đưa đón - cho hay: "Anh Ngọc tốt bụng và nhiệt tình lắm. Hôm nào đi qua đây đều dừng lại bế cháu tôi lên xe. Chiều lại trả cháu về nhà. Bố mẹ nó thì bận đi làm cả ngày, ông thì già yếu rồi. Cũng may có anh ấy mà nhà tôi đỡ một nỗi lo “đến giờ đưa đón con đi học”.
Trả tiền thì anh không lấy, cứ bảo là chở con đi học, tiện thể chở các cháu khác luôn, tiền nong làm gì. Nhưng nhiều khi thấy anh ấy vất vả quá…”.
Tận tâm với công việc trong hơn một năm qua, anh Ngọc không hề lấy tiền công của phụ huynh các cháu. “Có người thương thì một tháng ủng hộ anh Ngọc 50 – 100 nghìn đồng. Còn gia đình nào không có điều kiện, khó khăn thì anh vẫn vui vẻ giúp” - Cô Võ Thị Hương - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Khai - cho hay.
Anh Ngọc cũng chia sẻ, nếu có kinh phí sẽ tiếp tục cải tiến thùng xe với 3 dãy ghế, thêm các dây thắt an toàn cho hành khách.
Nói về việc làm của anh Ngọc, ông Võ Trọng Hòe – Chủ tịch UBND xã Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An - cho biết: Chuyện anh Ngọc đưa đón các cháu quanh xóm đi học là việc tốt, không có ý vụ lợi hay kinh doanh.
Về vấn đề an toàn của trẻ khi đi xe trâu thì theo ông Hòe không có gì đáng lo ngại lắm, vì anh Ngọc đã thiết kế phần thùng xe kín, che chắn mưa gió, có cửa đóng lại để các cháu khỏi ngã. Ngoài ra, quãng đường ngắn (chỉ 2km), con trâu đã được thuần và nghe lời chủ…