Trong năm 2020, Sở GD&ĐT Nghệ An tiếp nhận 864 sáng kiến kinh nghiệm từ các đơn vị trực thuộc Sở.
Theo quy định, sáng kiến phải được đúc rút từ thực tiễn hoạt động giáo dục của cá nhân, tập thể, đảm bảo tính khoa học, có khả năng áp dụng, nhân rộng trong các cơ sở giáo dục.
Sở cũng yêu cầu sáng kiến tuyệt đối không sử dụng đề tài đã được công nhận ở các cuộc thi khác; các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng (luận văn, luận án…); các đề tài đã được Hội đồng khoa học ngành công nhận ở những năm học trước để viết thành của mình. Nếu vi phạm tác giả phải chịu xử lý theo quy định của ngành.
Qua xem xét, thẩm định và đánh giá, Hội đồng chấm sáng kiến của Sở công nhận có 115 sáng kiến được xếp loại A và 529 sáng kiến được xếp loại B cấp cơ sở. Có 230 sáng kiến bị loại.
Từ kết quả này, Sở GD&ĐT chọn 355 sáng kiến từ 21 Phòng GD&ĐT để xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Hoạt động viết sáng kiến kinh nghiệm đã được triển khai nhiều năm trong ngành giáo dục. Mục đích thúc đẩy việc tích lũy chuyên môn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn giáo dục. Từ đó nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các đơn vị.
Đồng thời phát huy tinh thần tự học, lao động sáng tạo của cán bộ, nhà giáo, xây dựng các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, xây dựng đội ngũ cốt cán cho ngành. Để nâng cao chất lượng của các sáng kiến kinh nghiệm, Sở GD&ĐT tiến hành thẩm định đề tài của các sáng kiến trước khi các tác giả tổ chức thực hiện.
Trước đó, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu về việc viết sáng kiến kinh nghiệm không nhất thiết phải quá dài dòng, không cần viết lý luận. Nếu cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành có ý tưởng, sáng kiến kinh nghiệm hay, tính ứng dụng cao trong thực tiễn giáo dục, Sở sẽ đặt hàng và cấp kinh phí hỗ trợ giáo viên thực hiện sáng kiến đó.
Xem danh sách 195 sáng kiến kinh nghiệm được công nhân cấp tỉnh Nghệ An Tại đây