Chiều 26/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 21/CĐ-UBND về việc cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17h chiều nay.
Theo báo cáo, Nghệ An đã có hơn 3.000 phương tiện tàu, thuyền với hơn 13.000 lao động đã neo đậu tại các bến, cảng. Hiện còn hơn 300 phương tiện với hơn 2.000 lao động đang đang vào bờ nhưng không nằm trong khu vực nguy hiểm.
Các tàu thuyền này đều đã được thông báo về vị trí, hướng đi của bão Noru và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành và địa phương sử dụng mọi phương tiện, biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trước 0h ngày 27/9, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn. Các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải). Tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.
Tranh thủ thời tiết đẹp, tiểu thương thu mua những mẻ cá cuối trước khi bão vào. |
Bốc xếp cá vừa đánh bắt được lên xe đông lạnh. |
Ngư dân Nghệ An "chạy đua" với thời gian trước khi bão vào. |
Người dân thu dọn ngư lưới cụ lên thuyền. |
Hiện, Nghệ An đã thu hoạch được 73.783/108.770ha sản xuất vụ mùa hè thu; trong đó, lúa 60.328/82.604ha, ngô 4.120/10.719ha, lạc 274 ha/626ha…
Để ứng phó với bão, các địa phương ở Nghệ An đã đang huy động lực lượng, phương tiện để giúp bà con khẩn trương thu hoạch 22.276ha lúa cùng một số diện rau, màu còn lại theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.
Toàn tỉnh Nghệ An có 20.583ha nuôi trồng thuỷ sản, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại.
Về thủy lợi, trong tổng số 1.061 hồ đập, khoảng 65% hồ đã chứa đầy dung tích và đang được triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt; trong đó, 2 hồ lớn là hồ Vực Mấu và hồ sông Sào đã xả tràn.
Đáng chú ý, tỉnh Nghệ An có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó, có 8 hồ chứa (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc và Châu Thắng) đang thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả và các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ. Tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng, chống thiên tai, phương án an toàn đập và hồ chứa.
Các nhà máy thủy điện nhỏ khác đang vận hành bình thường theo đúng quy trình đơn hồ được Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt.
Đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn hơn 40 điểm có nguy cơ sạt lở, tập trung nhiều ở các vùng miền núi, các khu vực hạ du tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mưa bão.
Các địa phương đang kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực khai thác khoáng sản. Sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng người dân trong mưa bão.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sau khi vào Biển Đông, có khả năng bão số 4 vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26/9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc Biển Đông.
Chiều tối ngày 27/9, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Bão sẽ gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Nghệ An.