Tuy nhiên, các đơn vị đã bình tĩnh xử lý theo kế hoạch, phương án đã xây dựng trước đó. Một số trường học đặc thù, bán trú ở vùng cao biên giới đang trưng dụng làm khu cách ly, thầy cô ở lại trong trường phục vụ học sinh F1. Còn những trường học khác thì tổ chức khoanh vùng và cho học sinh các lớp an toàn trở lại học tập bình thường.
Thầy cô trường biên giới nuôi học sinh F0, F1
Gần 1 tháng nay, tất cả trường học trên địa bàn xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn đang tạm dừng dạy học trực tiếp. Toàn bộ cơ sở vật chất của 3 trường THCS, tiểu học và mầm non được trưng dụng làm nơi cách ly cho hơn 160 học sinh thuộc diện F1.
Trước đó, ngày 12/12/2021, xã Keng Đu ghi nhận những ca F0 đầu tiên là giáo viên, học sinh của trường mầm non và THCS. Riêng Trường Phổ thông DTBT THCS Keng Đu ban đầu phát hiện 6 em dương tính, sau đó liên tục ghi nhận thêm các F1 chuyển thành F0. Đến thời điểm này, trường có 37 em đang điều trị tại bệnh viện dã chiến thuộc xã Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn).
Thầy Phạm Hữu Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Keng Đu, cho biết: Trường đóng tại địa bàn xã biên giới vùng sâu, vùng xa nhất huyện Kỳ Sơn, tất cả học sinh đều là người Thái, Khơ Mú. Do học sinh phần lớn là con hộ nghèo, vất vả, nên phụ huynh giao hoàn toàn việc chăm sóc con em mình cho thầy cô trong khu cách ly.
“Toàn bộ giáo viên trong gần 1 tháng qua thuộc diện cách ly tại trường, nhưng đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ nấu ăn, vệ sinh, phục vụ học sinh F1. Tính đến ngày 6/1 có 2 em học sinh F1 xét nghiệm dương tính, trở thành F0. Vì thế, thời gian cách ly của thầy trò chưa xác định được đến lúc nào sẽ kết thúc. Các thầy cô rất vất vả nhưng hoàn cảnh gia đình học sinh khó khăn, không hỗ trợ được gì, chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để lo cho các em. Nhà trường còn tính đến khả năng phải ăn Tết tại trường nếu phát hiện thêm F0 và kéo dài thời gian cách ly”, thầy Luận nói.
Toàn huyện Kỳ Sơn có 4 trường học có học sinh F0 là Mầm non và THCS Keng Đu, Trường Mầm non Mỹ Lý 2 và Trường THCS Chiêu Lưu. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn - cho hay: Trước mắt, ngành hỗ trợ và động viên giáo viên, học sinh ổn định tâm lý điều trị và thực hiện cách ly theo quy định. Theo thông tin điều tra dịch tễ, nguồn lây chủ yếu từ người đi từ vùng có dịch bệnh về. Phòng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, siết chặt phòng dịch trong trường học để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Tại huyện Diễn Châu (Nghệ An), ngày 31/12/2021 cũng ghi nhận hàng chục học sinh F0 tại xã Diễn Yên. Trong đó có 24 học sinh THCS và 16 em tiểu học. Theo ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng GD&ĐT, do trước đó các nhà trường thực hiện mô hình bong bóng trường học, hạn chế tiếp xúc giữa các lớp, nên số lượng học sinh mắc Covid-19 sau đó không tăng.
Đến nay, 22/24 em đã khỏi bệnh, xuất viên. Còn học sinh tiểu học vẫn đang điều trị nhưng sức khỏe ổn định. Dự kiến sang tuần sau, 2 trường Tiểu học và THCS Diễn Yên sẽ dạy học trực tiếp trở lại. Riêng các lớp có học sinh F0 thì duy trì dạy học trực tuyến.
Chủ động dạy học thích ứng khi có F0
Sau 2 ngày trở lại dạy học trực tiếp, Trường Tiểu học Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) nhận thông tin có 1 học sinh lớp 4 là F0. Ngay sau đó, ban giám hiệu cho lớp này dừng tới trường, chuyển sang học trực tuyến. Đồng thời, lực lượng y tế cũng có mặt tại trường để xét nghiệm Covid-19 cho 38 học sinh còn lại trong lớp, cùng một số bạn có tiếp xúc và giáo viên, nhân viên.
Cô Hoàng Thị Thúy - giáo viên chủ nhiệm của lớp 4 khi nhận thông tin có học sinh trong lớp là F0 đã động viên gia đình em, đồng thời báo với phụ huynh còn lại và ban giám hiệu nhà trường. “Thời điểm đó, mặc dù các em còn nhỏ tuổi, vừa đi học trở lại nhưng tôi vẫn có phần yên tâm vì các em tuân thủ 5K đầy đủ, nghiêm túc”, cô Thúy nói.
Sau khi có kết quả xét nghiệm các F1 âm tính, nhà trường cho dạy học trực tiếp trở lại bình thường, riêng lớp có học sinh F0 chuyển sang học và kiểm tra định kỳ trực tuyến. Việc thi học kỳ qua phần mềm LMS cũng không gặp vướng mắc do trẻ đã được làm quen từ đợt kiểm tra giữa kỳ.
Cô Trần Thị Việt Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình - cho hay: Sau gần 2 tuần xuất hiện ca học sinh F0 đầu tiên, trường không có thêm ca bệnh nào mới. Đây là điều may mắn cho giáo viên và học sinh. “Chúng tôi cũng yên tâm và vững tin hơn với các biện pháp phòng dịch đã thực hiện, hạn chế tối thiểu tình trạng lây chéo trong trường”, cô Hà nói.
Tại Trường THCS Hà Huy Tập (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) cũng xuất hiện 1 trường hợp F0 ngay trong dịp nghỉ Tết Dương lịch. Bệnh nhân là học sinh lớp 8A, được phát hiện sau khi có người nhà bị nhiễm bệnh. Thời điểm phát hiện dương tính, học sinh đã đi học tập trung được 1 tuần.
Theo cô Hà Thị Hòa Bình – Hiệu trưởng nhà trường, đặc thù của trường là đơn vị tập trung đông học sinh nhất thành phố Vinh với gần 1.900 em. Vì vậy, dù đã thực hiện chia ca, học giãn cách, phân luồng học sinh ra vào trường, nhưng số lượng người cùng lúc có mặt ở trường mỗi buổi vẫn nhiều. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài em học sinh lớp 8A, không phát hiện thêm trường hợp nào dương tính. Hiện, nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc giãn cách, không tổ chức ra chơi ngoài sân trường, đeo khẩu trang trong suốt buổi học...”, cô Hòa Bình cho hay.
Trường THCS Hà Huy Tập cũng xây dựng phương án để tổ chức kiểm tra học kỳ trực tuyến cho học sinh lớp 8A. Giáo viên của trường cũng thành thạo, chủ động trong dạy học online nên việc dạy học kết hợp trực tuyến, trực tiếp không ảnh hưởng hoặc gặp khó khăn.
Thành phố Vinh là địa phương cuối cùng của tỉnh tổ chức cho học sinh đi học trở lại trực tiếp đối với học sinh tiểu học và học sinh khối 6, 7, 8. Bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh - thông tin: Khi cho học sinh tới trường trực tiếp, phòng đã lường trước mọi tình huống và xác định khó tránh được tình trạng có học sinh F0.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhờ thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K ở nhà trường nên cơ bản kiểm soát được dịch, việc dạy học duy trì ổn định với hình thức phù hợp. Về phía phụ huynh cũng ổn định tâm lý và xác định “dịch ở đâu khoanh vùng ở đó”, cho con đến trường ngoại trừ lớp học có F0. Đây cũng là giải pháp đưa ra áp dụng để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.