Học trò vùng cao Nghệ An loay hoay chuyện ở trọ

GD&TĐ - Nhiều năm nay, hàng nghìn học sinh THPT các huyện miền núi cao Nghệ An đang phải ở trọ, sau khi xóa bỏ trường nội trú.

Buổi tối, Trường THPT Quế Phong mở cửa lớp, sáng đèn cho học sinh ở bên ngoài vào tự học.
Buổi tối, Trường THPT Quế Phong mở cửa lớp, sáng đèn cho học sinh ở bên ngoài vào tự học.

Với những đứa trẻ còn thiếu kỹ năng, không có sự quản lý trực tiếp của gia đình, thầy cô, việc ở trọ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt sự xâm nhập của tệ nạn xã hội và tình trạng tảo hôn. 

Trò ở trọ, trường lo ngại đủ điều

Gian nhà 8m2, tạm bợ, thiếu ánh sáng là nơi ở trọ của Moong Văn Trọng và 2 bạn khác, cùng mới vào lớp 10 Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An. Trọng là người Khơ Mú, nhà ở bản Hạt Tà Vén, xã biên giới Keng Đu – nơi xa xôi nhất của huyện Kỳ Sơn. Cách trường gần 90km, trong đó hơn nửa là đường dốc đá, để theo học lên cấp 3, Trọng phải thuê trọ ở thị trấn Mường Xén.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nên Trọng được miễn học phí. Mỗi tháng, em cũng được hỗ trợ khoảng 700 nghìn đồng và gạo theo Nghị định 116 dành cho học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng nguồn hỗ trợ này thường được cấp phát về cho học sinh theo kỳ. Vì thế, Trọng vẫn phải xin tiền bố mẹ để trang trải cuộc sống trước mắt. “Mỗi tháng bố mẹ cho em 200 nghìn đồng, sau khi trừ tiền trọ, còn lại em chia ra để góp với bạn mua thức ăn nấu cơm và mua đồ dùng học tập”, cậu học trò Khơ Mú kể.

Hoa Văn Hồng năm nay cũng từ xã Tà Cạ ra nhập học lớp 10C9, Trường THPT Kỳ Sơn. Tà Cạ nằm giáp ranh với thị trấn Mường Xén, nhưng chỉ có vài bản dọc đường Quốc lộ 7 thuận lợi. Còn nhà Hồng lại bản Na Nhu cách xa trường gần 20km, đường dốc đá hiểm trở. Căn phòng mà Hồng đang ở để đi học chỉ cách trường vài trăm mét, nhưng xuống cấp trầm trọng, chủ trọ lấy giá 500 nghìn đồng/tháng.

Gian phòng trọ chật chội là nơi ăn ở sinh hoạt của Moong Văn Trọng (lớp 10C4, Trường THPT Kỳ Sơn) và 2 bạn khác.
Gian phòng trọ chật chội là nơi ăn ở sinh hoạt của Moong Văn Trọng (lớp 10C4, Trường THPT Kỳ Sơn) và 2 bạn khác.

Để tiết kiệm chi phí, Hồng với 2 bạn khác chung nhau thuê trọ. Chật chội, lại ở đông người, nên phòng chỉ kê được 1 cái giường, 1 cái tủ gỗ nhỏ, còn lại đặt bếp gas nấu ăn. “Phòng quá nhỏ nên em và bạn chủ yếu về để nấu cơm ăn và ngủ. Còn lại ngoài giờ học chính khóa, buổi chiều và tối em cũng lên trường tự học. Nhà trường mở cửa các lớp học và bật điện sáng để học sinh ở trọ như chúng em lên học bài”, Hồng chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Kỳ Sơn có hơn 1.400 học sinh, trong đó khoảng 1.200 em nhà ở các xã, bản cách xa trung tâm huyện phải ở trọ đi học. Thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn - cho biết, trường vẫn còn 18 phòng ký túc xá – vốn là khu nhà ở nội trú trước đây. Nhưng mỗi phòng chỉ chứa tối đa 8 học sinh, qua nhiều năm cũng đã xuống cấp, cũ kỹ. Ký túc xá không đáp ứng đủ nhu cầu học sinh, nhà trường chỉ có thể ưu tiên cho những em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, học lớp 12. Còn đại đa số ở rải rác trong các khu trọ xung quanh trường, tại thị trấn Mường Xén.

Xa gia đình, phải sớm tự lập cuộc sống, nhưng học sinh dân tộc thiểu số tuổi mới lớn còn thiếu kỹ năng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tệ nạn xã hội. “Về việc phòng dịch Covid-19, nhà trường, địa phương, các chủ trọ đều ký cam kết thực hiện các biện pháp 5K bảo đảm an toàn. Nhưng vấn đề mới nảy sinh là hiện nay nhiều người dân từ miền Nam, các khu công nghiệp về quê tránh dịch. Trong đó có nhiều bạn lứa tuổi thanh niên, khi trở về mang theo lối sống, phong cách khác, có 1 khoản tiền để chi tiêu. Điều này rất dễ ảnh hưởng tới học sinh của trường, đua đòi dẫn tới ý muốn bỏ học đi làm”, thầy Lê Văn Tảo bày tỏ lo ngại.

Bên cạnh đó, trong các khu trọ có cả học sinh nam lẫn nữ ở gần nhau, dễ nảy sinh tình cảm. Trong khi quan niệm và tập tục đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... con trai, con gái từ 14 - 15 tuổi là đến lúc lấy chồng, lấy vợ. Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng thẳng thắn cho biết, tính từ đầu năm học 2020 -2021 đến nay, trường có hơn 40 học sinh nghỉ học, trong đó chiếm tới 30% là nghỉ học lấy vợ, lấy chồng.

Năm học này, nhiều học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng cũng phải tự lập ăn ở do mất chế độ bán trú.
Năm học này, nhiều học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng cũng phải tự lập ăn ở do mất chế độ bán trú.

Khó khăn trong quản lý, chăm lo học sinh

Trường THPT Kỳ Sơn là đơn vị chấm dứt mô hình nội trú muộn nhất của Nghệ An, vào năm 2013. Còn các trường THPT dân tộc nội trú khác ở 5 huyện miền núi cao Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp thì bị xóa bỏ trước đó. Toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 2 trường phổ thông DTNT THPT đặt tại thành phố Vinh. Để được vào học tại đây, học sinh phải bảo đảm nhiều điều kiện, là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn... và trải qua kỳ thi tuyển với sự cạnh tranh khá lớn. Chỉ tiêu mỗi năm cho 2 trường này chỉ khoảng 1.000 em.

Còn lại, trường THPT tại các huyện miền núi cao chuyển thành trường bình thường, dù học sinh dân tộc thiểu số xã, bản đặc biệt khó khăn  vẫn được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 116. Điều này khiến các em nhà xa không còn được ở nội trú, với sự quản lý, chăm sóc trực tiếp của  nhà trường, mà phải tự lo liệu ăn ở, sinh hoạt.

Cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong, Nghệ An - chia sẻ: Trung bình mỗi năm trường có 1.600 học sinh. Nhưng chỉ khoảng vài trăm em nhà ở gần trường, còn lại đều ở trọ. Nhà trường cũng tận dụng, tu bổ dãy nhà nội trú cũ dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Bên cạnh đó, dành 1 khu đất cho các em trồng thêm rau xanh, củ quả. Song trên thực tế, các em vẫn phải tự lập cuộc sống sinh hoạt cá nhân.

Học sinh ở ký túc trong Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) chăm sóc vườn rau.
Học sinh ở ký túc trong Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) chăm sóc vườn rau.

Để quản lý học sinh nhà xa, Ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm nắm danh sách, nơi ở trọ của các em. Thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, và các vấn đề trong cuộc sống. Ban nền nếp, Đoàn trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý và kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Dù vậy, với số lượng hàng nghìn học sinh ở rải rác nhiều khu trọ, việc quản lý, kiểm soát học sinh cũng chỉ tương đối.

Tương tự, thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) - cũng nêu khó khăn: “Nhiều chủ nhà trọ không muốn và không cho thầy cô vào kiểm tra học sinh. Đó là quyền của họ và nhà trường cũng không can thiệp được. Chỉ có đưa học sinh vào trường mới có thể quản lý tốt. Nhà trường và các đơn vị huyện vùng cao khác cũng nhiều lần đề xuất lên cấp lãnh đạo thành lập trường THPT dân tộc bán trú. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế cho mô hình này”.

Tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trọ học không chỉ có ở bậc THPT, mà hiện còn diễn ra ở một số trường THCS dân tộc bán trú tại Nghệ An. Tình trạng này liên quan đến việc nhiều thôn, bản, xã được đưa ra khỏi khu vực III đặc biệt khó khăn, khiến học sinh tại đó không còn được hưởng chế độ bán trú. Những năm trước, bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, học sinh có chế độ bán trú theo Nghị định 116. Nhưng từ năm học này, bản thoát nghèo, kéo theo 32 em đang là học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng cũng bị đưa ra khỏi danh sách bán trú.

Thương học trò, nhà trường dành dãy nhà cấp 4 phía sau cho các em ở miễn phí. Đồng thời, chuyển số học sinh diện bán trú sang địa điểm khác cách đó 500m. Tránh tình trạng cùng xa nhà đi học, nhưng bên được hưởng chế độ bán trú, bên phải tự nấu ăn.

Lỳ Chứ Hạ (lớp 6A) và Lỳ Trung Hựu (lớp 6C) cùng loay hoay nấu cơm sau khi tan học. Ở cùng phòng còn có các anh chị lớp 8, 9 nhưng đang học tiết 5 chưa về. Hai cậu học trò người Mông chia nhau cắm cơm, nhặt rau. “Mỗi tháng bố mẹ cho 100 nghìn đồng. Cuối tuần về nhà, em lại mang theo gạo, rau, cá khô. Thỉnh thoảng, thầy cô cho thêm thức ăn và mì tôm nữa”, Lỳ Chứ Hạ nói.

Thầy Nguyễn Ngọc Tân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lương (huyện Tương Dương) - cho hay: “Về cơ sở vật chất, may mắn là trường có khu nhà bán trú cũ khá kiên cố, chia phòng nam nữ riêng, đầy đủ giường cho học sinh. Nhưng học sinh THCS tuổi còn nhỏ, để các em tự ăn uống rất thương. Nhà trường cũng đã thử vận động phụ huynh nộp tiền để cùng tổ chức ăn ở tập trung với học sinh bán trú.  Nhưng mỗi tháng 600 - 700 nghìn đồng/em là khoản tiền quá lớn với bà con ở đây”.

Đến nay, các trường vùng cao Nghệ An vẫn vướng mắc trong chăm lo học sinh mất chế độ bán trú hoặc đang phải ở trọ bên ngoài. Các phương án đưa ra đều cần sự quan tâm, có cơ chế đặc thù của chính quyền địa phương, cũng như nguồn lực xã hội hóa. Bởi lâu dài, bản thân nhà trường cũng như ngân sách Nhà nước sẽ không thể bao cấp toàn bộ. 

Gần đây, Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) được một tập đoàn tài trợ xây dựng hệ thống cơ sở vật chất mới với nhiều hạng mục gồm phòng học, phòng đa chức năng, nhà ở nội trú cho giáo viên, học sinh. Khu nhà hoàn thành, sẽ giải quyết được vấn đề học sinh trọ học bên ngoài cho Trường THPT huyện biên giới Kỳ Sơn. Tuy nhiên, còn rất nhiều trường học khác cơ sở vật chất chỉ đáp ứng việc dạy học. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số vẫn đang phải ở trọ ngoài nhà trường với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ