Thi cử thời phong kiến
Trong chế độ phong kiến Việt thời xưa, quan chức làm công việc nhà nước có thể xếp vào 3 loại chính.
Một là các võ tướng, tức là các vị chỉ huy quân đội các cấp, những người xây dựng nên chế độ, triều đại, bảo vệ triều đại, bảo vệ độc lập của Tổ quốc và nền an ninh trật tự xã hội, bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước.
Hai là các văn thần, thực chất là các quan cai trị các cấp, các cán bộ quản lý nhà nước, quản lý các mặt hoạt động xã hội của quốc gia.
Ba là các lại viên, thực chất là cán bộ chuyên môn các ngành hành chính, ngoại giao và các ngành chuyên môn khác như giáo dục, y tế, thiên văn, xây dựng, v.v…
Việc tuyển chọn được thực hiện bằng hai biện pháp cơ bản:
- Một là tuyển chọn thông qua việc lựa chọn từng trường hợp rồi đề bạt làm các chức vụ mới cao hơn căn cứ vào sự xem xét tài năng, đạo đức của người được tuyển chọn.
- Hai là tổ chức thi tuyển.
Nhưng muốn cho thi tuyển thực sự trở thành biện pháp tốt để tuyển lựa nhân tài, yếu tố quan trọng nhất là phải tạo “sân chơi bình đẳng” cho mọi đối tượng tham gia cuộc thi, tức là phải chống thi gian. Để cho thi gian phát triển lấn át sự thi cử nghiêm túc thì toàn bộ ý nghĩa tốt đẹp trên sẽ sụp đổ.
Bên cạnh đó, trong các quy định về thi cử, không được có những biện pháp khắt khe vô lý, hạn chế việc bộc lộ tài năng của sĩ tử. Các biện pháp quy định vô lý sẽ hạn chế kết quả của cuộc thi tuyển, làm sai lệch kết quả đó. Nhà Lê - Trịnh không cho con cháu các đào, kép hát được dự thi nên đã để mất một thiên tài kiệt xuất thời đó cho các chúa Nguyễn sử dụng chống lại họ Trịnh - đó là Đào Duy Từ.
Nhà nước phong kiến đã tổ chức thi tuyển chọn võ tướng bằng các kỳ thi võ cử, tuyển chọn văn thần bằng thi Hương, thi Hội, thi Đình, tuyển chọn các lại viên bằng thi thư toán.
Thi thư toán có nội dung thi viết chữ đẹp (thư) và làm toán giỏi (toán), là khoa thi tuyển chọn người làm lại ở các nha môn. Thời xưa, kinh tế và khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên người ta cho nội dung ấy là đủ.
Thực ra, trong đời Lý, có thi cả hình luật, nhưng các triều đại sau đều bỏ không thi. Trong khoa thi thư toán, không có sự phân chia các loại đỗ khác nhau thành các bậc riêng biệt mà lấy đỗ từ cao xuống thấp, người đỗ cao hơn được chọn đưa vào các cơ quan nhà nước quan trọng, công tác văn thư, hành chính bận rộn.
Trong khoa thi võ cử, người ta phân ra hai bậc rõ rệt: bậc cao và bậc thấp. Bậc cao tương đương thi Hội và thi Đình, người thi đỗ được học vị Tạo sỉ (đời Lê) hoặc Tiến sĩ võ (đời Nguyễn), Đồng tạo sử (đời Lê) và Võ phó bảng (đời Nguyễn). Đời Lê gọi là thi Bác cử (triều đình tuyển chọn rộng rãi), đời Nguyễn gọi là thi Tiến sĩ về võ.
Thi Hương, thi Hội, thi Đình
- Thi Hương, thi Hội, thi Đình là 3 kỳ thi liên tiếp nhau để chọn lựa các loại nhân tài cao thấp khác nhau về văn, từ đó bố trí vào các chức quan cai trị cao thấp khác nhau.
Thi Hương là kỳ thi do các địa phương tổ chức cho sĩ tử ở từng khu vực trong nước dự thi. Đời Lê, triều đình giao cho các trấn lớn đông dân, đông sĩ tử, đứng ra tổ chức và cho các trấn nhỏ, ít dân, ít sĩ tử thi phụ vào.
Người đỗ thi Hương được gọi là Hương Cống (từ 1828 gọi là cử nhân) nếu đỗ cả 4 kỳ, nếu đỗ ở bậc thấp hơn gọi là Sinh đồ (từ 1828 đổi gọi là tú tài). Người đỗ đầu thi Hương được gọi là giải nguyên.
Thi Hội là khoa thi do triều đình, trực tiếp là bộ Lễ (từ 1906: bộ Học) tổ chức cho những người đã đỗ Hương cống (hoặc Cử nhân) tham dự để chọn lấy những người trúng tuyển thi Hội, cho vào thi Đình. Gọi thi Hội là gọi tắt của “Hội thí các cử nhân” hoặc “Hội thí sĩ nhân trong nước”, nghĩa là tụ hội các cử nhân, sĩ nhân đã đỗ thi Hương ở các nơi trong nước về Kinh đô dự thi.
Nói chung, chỉ có người đỗ Hương cống hoặc Cử nhân mới được dự thi, đỗ Sinh đồ hoặc Tú tài không được dự thi. Tuy vậy, trong đời Nguyễn, các Tú tài đã thi đỗ kỳ thi tuyển giáo chức và ra dạy học có thể được đi thi Hội. Đó là chính sách khuyến khích nhà giáo chăm lo học tập nâng cao trình độ dạy dỗ học sinh có kết quả tốt hơn.
Người đỗ thi Hội không được cấp học vị gì, chỉ được ghi là “trúng cách thi Hội”. Nếu họ tiếp tục thi Đình thì họ được xếp loại đỗ và được công nhận đỗ Tiến sĩ theo sự xếp loại đó. Nếu họ không đi thi nữa thì họ không có học vị gì hơn học vị Hương cống hoặc Cử nhân đã có từ trước khi dự thi Hội.
Đây là trường hợp của Lương Hữu Khánh. Ông học giỏi có tiếng, đi thi Hội trong đời Mạc đỗ thứ hai, sau đó không thi Đình mà bỏ đi vào trong Thanh Hóa phò nhà Lê Trung Hưng, làm đến Binh bộ thượng thư song vẫn không được đỗ đại khoa.
Thi Đình là khoa thi do nhà vua trực tiếp tổ chức, ra đề, coi thi, chấm thi, xét duyệt kết quả thi, xếp loại đỗ. Nói chung, các ông vua đều giao cho các đại thần giúp mình trực tiếp làm các phần việc trên, đặc biệt là khâu chấm thi (gọi là chức quan độc quyển), sau đó báo cáo vua quyết định mọi việc.
Nếu thi Hương là một khoa thi trọn vẹn, bao gồm từ khâu lập Hội đồng thi, tổ chức coi thi, chấm thi, lấy đỗ, công bố kết quả thi…, thì thi Hội và thi Đình là những khoa thi không trọn vẹn. Khoa thi Hội chỉ là phần đầu của khoa thi tiến sĩ.
Cả hai khoa thi Hội và thi Đình hợp lại mới hoàn chỉnh một khoa thi Tiến sĩ. Thi Đình thường được tổ chức sau khi thi Hội xong hai, ba, có khi bốn tháng. Dù đã xảy ra tình trạng đó, người ta vẫn lấy năm âm lịch có khoa thi Hội làm năm có khoa thi Tiến sĩ.
Trước, thi Hương thường thi vào mùa thu nên người ta nói “thu thí” (thi mùa thu) cũng có nghĩa là thi Hương; thi Hội thường thi vào mùa xuân nên người ta nói “xuân thí” (thi mùa xuân) cũng có nghĩa là thi Hội. Cũng có năm, thi Hội sau vụ gặt mùa vào tháng mười một hoặc tháng chạp, sau đó thi Đình vào năm tiếp sau.
Trường thi Hà Nội được xây dựng ở khu vực Thư viện Quốc gia - phố Tràng Thi hiện nay. Trường thi xây như thế thì rất tiện lợi cho việc đóng quân nên năm 1873, khi đánh chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đã chiếm ngay trường thi làm chỗ đóng quân, khiến cho khoa thi Hương ở Hà Nội và Nam Định năm 1873 đã không thi được vì chiến sự.
Năm 1874 cũng không thi được, phải vào thi chung ở Thanh Hóa. Năm 1883, trường thi Hà Nội và Định cũng lại phải vào thi chung ở Thanh Hóa. Từ đó về sau, hai trường Định liên tục thi chung. Câu thơ: “Trường thi lẫn với trường Hà” chỉ có thể xuất hiện từ sau năm 1867, không thể có trước đó được.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các bậc thánh đế minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”. Trích văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo (3/1442).