Ngày quốc tế Người hiến máu - Tôn vinh hành động đẹp

GD&TĐ - Có những bệnh nhân từ khi ra đời đã sống nhờ vào máu của người khác. Cũng có rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn, thảm họa được cứu sống trong gang tấc nhờ nguồn máu hiến của người khác. Nói vậy để thấy rằng, đằng sau cuộc sống của nhiều bệnh nhân là sự hy sinh thầm lặng của người hiến máu tình nguyện.

Ngày quốc tế Người hiến máu - Tôn vinh hành động đẹp

Nguồn sống của nhiều người

Máu là loại thuốc đặc biệt, do không thể sản xuất nên phụ thuộc hoàn toàn vào người hiến. Điều này có lẽ những người mắc bệnh về máu và người thân của họ thấu hiểu hơn cả.

Hơn 20 năm sống nhờ máu người khác, bệnh nhân H.T.T (Nghệ An) luôn nhắc nhở mình phải biết ơn tấm lòng thiện nguyện đã sẻ chia giọt máu của mình, để chị và nhiều bệnh nhân khác có được cuộc sống như hôm nay. Chị H.T.T mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc mới 7 tháng tuổi. 25 năm sống tồn tại, chị H.T.T đã nhận được 500 đơn vị máu của bao người xa lạ.

Chị H.T.T chia sẻ: Chỉ những người mắc bệnh về máu mới hiểu cảm giác thiếu máu như thế nào. Nó kinh khủng hơn việc bị đói, bị rét rất nhiều. Chỉ khi được truyền dòng máu nóng vào người thì mới cảm nhận được sự hồi sinh của sự sống.

Cũng là bệnh nhân mắc bệnh về máu, 2 anh em người Yên Bái đã nhận gần 2.000 đơn vị máu trong nhiều năm qua. Giống như nhiều bệnh nhân khác, hai anh em luôn thầm cám ơn những người hùng đã âm thầm mang lại cho họ cuộc sống mới.

Theo GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nguồn máu phục vụ điều trị phụ thuộc chủ yếu vào người bán nay được hiến tình nguyện là hành trình dài. Năm 2016 đánh dấu sự trưởng thành của phong trào hiến máu tình nguyện với lượng máu được tiếp nhận trên phạm vi cả nước là 1.203.041 đơn vị máu. Tỷ lệ dân số hiến máu đạt xấp xỉ 1,52%. Lượng máu này đáp ứng được trên 60% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương. Đây là lần đầu tiên, các bệnh viện trong cả nước không rơi vào tình trạng thiếu máu, dù chỉ một ngày.

Những người hùng thầm lặng

Đã trải qua 36 lần hiến máu, trong đó có 7 lần hiến máu cấp cứu, anh Nguyễn Hồng Châu (Quảng Nam) chưa một lần nghĩ rằng việc làm nhỏ bé của mình lại có ngày được ghi nhận và tôn vinh. Lẽ đơn giản, với anh việc hiến máu là niềm đam mê, là hoạt động rất đời thường. Mong muốn lớn nhất của anh chỉ đơn giản là có đủ sức khỏe để tiếp tục hiến máu cứu người bệnh.

Anh Châu là một trong hàng triệu người hùng hàng ngày làm việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa này. Nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu, từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Truyền máu quốc tế đã thống nhất lấy ngày 14/6 hàng năm là “Ngày quốc tế Người hiến máu”. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ nhà bác học đã phát hiện hệ nhóm máu ABO – Giáo sư Karl Landsteiner người Mỹ gốc Áo. Phát hiện này mở ra một kỷ nguyên mới cho công tác an toàn truyền máu và hiến máu trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ năm 2008, các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế Người hiến máu đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo, tổ chức hàng năm; với nhiều hoạt động ở cấp quốc gia và tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đã có hàng nghìn tập thể, gia đình, dòng họ, cá nhân tiêu biểu hiến máu nhiều lần và tích cực tham gia vận động hiến máu được tôn vinh.

Theo ông Hernan Montenegro (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam), nguồn cung máu an toàn vô cùng quan trọng. Ngày 14/6 là dịp để tôn vinh những thành tựu đã đạt được trong việc nâng cao chất lượng máu an toàn. Tuy nhiên, Ngày quốc tế Người hiến máu cũng nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để đảm bảo tất cả người bệnh tại các quốc gia trên toàn cầu được tiếp cận đầy đủ với nguồn máu an toàn, kể cả trong thời bình hay trong trường hợp khẩn cấp và nhu cầu máu tăng đột biến…

“Một hệ thống y tế vững chắc cần một dịch vụ máu bền vững và những người hiến máu tận tâm, vị tha và hiến máu thường xuyên”, ông Hernan Montenegro nhấn mạnh.

“Hiến máu cứu người - Xin hiến thường xuyên” là chủ đề Ngày quốc tế Người hiến máu năm nay, nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay hiến máu và thường xuyên hiến máu để có nguồn máu dùng ổn định, an toàn. Chuỗi sự diễn ra từ ngày 11 - 14/6 với nhiều hoạt động trên khắp cả nước. Nhân dịp này, Ban chỉ đạo quốc gia tổ chức tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ X (giai đoạn 2008 - 2017).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.