Ngày Quốc tế hạnh phúc: Cảm nhận và mong chờ!

GD&TĐ - Ngày 20/3 hàng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Vào ngày này, người ta thường suy nghĩ về khái niệm hạnh phúc và đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã hạnh phúc? Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc, Báo Giáo dục và Thời đại xin giới thiệu bài viết của TS. Vũ Thu Hương, đề cập đến vấn đề này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nước ta là một đất nước trải qua khó khăn đến mức nghẹt thở trong suốt chiều dài lịch sử. Hiếm có quốc gia nào có lịch sử nhiều chiến tranh như Việt Nam. Đánh giặc ngoại xâm như giặc Tàu, giặc Nguyên Mông, rồi giặc phương Tây, giặc Mỹ... Nếu so sánh với Việt Nam của những thế kỉ trước, ta có thể tự hào rằng: Hiện nay, chúng ta đang rất hạnh phúc.

Bởi vì hiện nay, trên dọc mảnh đất hình chữ S, tiếng súng nổ đã hoàn toàn yên ắng. Đã gần 40 năm nay, chúng ta sống trong hòa bình, độc lập. Thời gian đầu mới giải phóng, chúng ta còn phải vật lộn với chiến tranh biên giới, chiến trường Campuchia. Nhưng đã gần 40 năm nay, tiếng súng cũng đã im ắng hẳn.

Đi qua những vùng đất đã từng bị băm nát bởi bom đạn như Quảng Trị, Lào Cai, Lạng Sơn,... chúng ta vui mừng nhìn thấy sự yên ấm, bình ổn hiện lên trên nét mặt của những người dân bình dị.

TS. Vũ Thu Hương

Bên cạnh đó, cái đói, cái nghèo cũng đã được đẩy lùi hơn 20 năm nay. Nếu như những thập niên 70, 80, việc có một bữa cơm đầy đủ đạm, mỡ, rau xanh, hoa quả, chất bột... là niềm mơ ước của biết bao gia đình thì ngày nay, các chị phụ nữ, các bậc nam giới lại lo lắng về cân nặng, về vòng eo.

Rõ ràng cuộc sống đầy đủ là bức tranh hiển hiện trên mọi miền đất nước ta.

Giờ đây, thay vì lo lắng cho bữa ăn, chúng ta tìm kiếm những cao lương mĩ vị để thay đổi cho bữa ăn khỏi nhàm chán.

Ngày nay, thay vì tìm cách vá víu lại tấm áo, tấm chăn cũ để khỏi bị nát quá, xấu quá, chúng ta lại săn lùng những tấm váy, tấm áo khoác đẹp hơn, lộng lẫy hơn, nhã nhặn hơn, để phù hợp với những bữa tiệc, những buổi nói chuyện phiếm mà chúng ta sắp tham dự.

Tủ quần áo của chúng ta sặc sỡ, tươi đẹp cũng là một minh chứng cho sự biến mất của cái đói nghèo.

Nhìn ra phố phường, những chiếc xe ô tô, xe máy hàng hiệu đã thay thế cho xe đạp cũ nát từ rất lâu rồi. Những cửa hiệu sặc sỡ, đầy ắp hàng hóa cũng thay thế những tấm cửa im lìm, yên ắng. Điều này có thể thấy rõ sự no đủ và thoải mái đã ngự trị trên suốt dọc đất nước ta.

Ngoài ra, có lẽ không ai không nhận thấy những con đường ngày càng rộng rãi ra, những trung tâm thương mại, trung tâm giải trí, trung tâm văn hóa mọc lên ngày càng nhiều hơn.

Nếu trước kia vui chơi chỉ dừng lại ở mức trà đá vỉa hè và cũng chỉ phổ biến trong giới trẻ thì ngày nay, mọi người có rất nhiều địa điểm để khám phá và mọi lứa tuổi đều tìm thấy các hình thức giải trí phù hợp với mình.

Con cháu chúng ta hiện nay đã không còn phải chiến đấu với "giặc dốt" do được hưởng một nền giáo dục ngày càng phát triển và toàn diện. Được chăm lo về đời sống văn hóa tinh thần, thể chất, giao lưu rộng mở cùng thế giới...

Tuy nhiên, cuộc sống đủ đầy không bảo đảm cho hạnh phúc. Theo thống kê của một nghiên cứu gần đây, có đến 31.7% các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa án ly hôn sau một thời gian sống chung. Nếu các cuộc hôn nhân đều hạnh phúc, liệu rằng tòa án ly hôn có còn việc để làm.

Những ẩn họa song hành cùng sự phát triển nhanh kinh tế xã hội cũng tước đi nhiều hạnh phúc. Chúng ta không thể không nhắc đến con số các vụ tai nạn giao thông. Số người chết vì loại tai nạn này trong năm 2018 lên đến 8200 người. Mỗi năm, tại mỗi thời điểm, những thông số đã có xu hướng giảm nhưng vẫn gây bất an cho chúng ta...

Sự bình an cho trẻ nhỏ cũng vẫn còn là nỗi nhức nhối. Số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2018 là hơn 1.200 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.230 người phạm tội, xâm hại trên 1.100 em.  

Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, chúng ta hãy cùng cầu chúc cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia hạnh phúc hoàn hảo, khiến thế giới ngưỡng mộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ