Trước đà suy thoái của đa dạng sinh học, Uỷ ban đa dạng sinh học (IPBES) của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên hơn, giết chết nhiều người hơn và thiệt hại thậm chí tồi tệ hơn nếu không có sự thay đổi cơ bản trong cách cử xử của con người đối với thiên nhiên.
Mất đa dạng sinh học ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người
Trước thực tế việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các hoạt động phát triển đã làm cho các hệ sinh thái trên toàn thế giới bị suy thoái. Kéo theo sự ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh học mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ, đặc biệt là tình hình dịch bệnh gần đây, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế xã hội toàn cầu. Từ đó buộc con người phải nhìn nhận, nâng cao ý thức về hành động của mình với thiên nhiên, với môi trường sống của chính chúng ta.
Như chúng ta biết đa dạng sinh học có tầm quan trọng với con người, cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Mặc dù vậy theo báo cáo đánh giá về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu của Diễn đàn liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (Báo cáo IPBES) tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu, hệ sinh thái rạn san hô có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất và 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng; nhiều nhóm loài được đánh giá là bị đe dọa tuyệt chủng cao trong đó nhóm loài có tỷ lệ % số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất là lưỡng cư, thú, chim, bò sát và cá.
Bên cạnh đó 3/4 diện tích đất trên Trái đất đã bị suy thoái nghiêm trọng do hoạt động của con người. Các tác động của con người bao gồm khai thác môi trường không bền vững thông qua phá rừng, mở rộng nông nghiệp, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Những hoạt động này khiến con người tiếp xúc ngày càng chặt chẽ với các loài động vật hoang dã và động vật nuôi, cũng như dịch bệnh mà chúng ẩn chứa. Theo đó, có tới 850.000 virus giống như virus corona chủng mới, tồn tại ở động vật và có thể lây nhiễm sang người. Việc phá hủy môi trường sống và tiêu thụ vô độ đã khiến các bệnh truyền qua động vật có nhiều khả năng lây sang người trong tương lai.
Khoa học cũng đã chứng minh, mất đa dạng sinh học có thể thúc đẩy bệnh truyền từ động vật sang người - mặt khác, nếu chúng ta giữ nguyên đa dạng sinh học, nó cung cấp các công cụ tuyệt vời để chống lại đại dịch như những bệnh do virus corona gây ra, các nhà khoa học Mỹ nhận thấy khoảng 75% vật chủ trung gian của nhiều loại virus gây bệnh là những động vật linh trưởng, dơi và chuột.
Năm 2020, một nghiên cứu điều tra sự lây nhiễm SARS-CoV-2 từ 16 trang trại nuôi chồn hương ở Hà Lan, được trình bày tại Hội nghị ESCMID về Bệnh liên quan virus corona được tổ chức trực tuyến từ ngày 23 đến 25-9, cho thấy virus có khả năng lây nhiễm giữa người và chồn và ngược lại.
Và thực tế tại Việt Nam cũng đã xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi nghiêm trọng và có nguồn gốc từ động vật với khả năng phát triển thành đại dịch. Trong những năm gần đây, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch SARS, dịch cúm gia cầm tuýp A (H5N1), dịch cúm A (H5N6) và chủng gây đại dịch cúm A (H1N1)…
Chính vì vậy trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Như vậy “Các hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu và mất mát đa dạng sinh học, đồng thời dẫn đến nguy cơ đại dịch do tác động đến môi trường. Những thay đổi trong việc sử dụng đất; mở rộng và thâm canh nông nghiệp; buôn bán, sản xuất và tiêu dùng không bền vững đã hủy hoại thiên nhiên và gia tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi, mầm bệnh và con người. Đây là con đường dẫn đến đại dịch”. Theo TS. Peter Daszak, Chủ tịch Liên minh EcoHealth nhấn mạnh.
Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học
Hiện nay, tại Việt Nam Chính phủ, Thủ tướng đến tất cả Bộ, ngành đều quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, kinh tế xanh, hài hoà, thuận thiên nhiên. Đó là một trong những yếu tố đảm bảo thành công đến 50% trong hành trình chúng ta cứu lấy đa dạng sinh học ở Việt Nam. Và người dân Việt Nam cũng đã nhận ra được trách nhiệm lớn của họ trong bảo tồn thiên nhiên, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường. Đây là yếu tố rất thuận lợị, cơ hội để Việt Nam sẽ không mất đi trên bản đồ đa dạng sinh học thế giới.
Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên" (We"re part of the solution - For Nature) Liên hợp quốc lựa chọn và phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Khoa học đã chứng minh đa dạng sinh học là nền tảng của kinh tế, an ninh lượng thực, sinh kế và sức khoẻ con người. Chính vì vậy cần sự chung tay của toàn xã hội để bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học – đó chính là bảo vệ cuộc sống trên trái đất của chính chúng ta.
Hướng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, năm 2021, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Theo ông Lê Công Thành – thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cho biết: “ “Việt nam cũng đang bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học bằng nhiều chính sách, biện pháp như đánh giá tác động môi trường, lồng ghép các mục tiêu yêu cẩu bảo vệ bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học trong các chiến lược quy hoạch kế hoạch, các chương trình phát kinh tế xã hội từ trung ương đến các địa phương. Khoanh vùng xác lập các khu bảo tồn các loài nguy cấp nguồn gen của giống cây trồng, vật nuôi các loài hoang dã, phục hồi sinh thái rừng, hệ sinh thái san hồ cọ biển. Trồng xanh phủ xanh đất trống đồi trọc. Rồi trồng cây xanh các khu đô thị, khu công nghiệp, tuyến giao thông và đã được kết quả rất đáng khích lệ”
Do đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 sẽ được kỷ niệm thông qua một chiến dịch trực tuyến. Và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, đề án, nhiệm vụ và giải pháp về nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.
Như chúng ta đã biết, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà từng nói rằng: “Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề đạo đức”. Điều đó càng cho thấy mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên không chỉ là đạo đức giữa con người với nhau mà trách nhiệm, đạo đức của chính chúng ta với thiên nhiên. Khiến mỗi chúng ta cần hiểu rõ hơn trách nhiệm của bản thân khi cuộc sống cần môi trường trong lành để sống, cần lương thực thực phẩm sạch để ăn nhưng lại phá hoại thiên nhiên bằng chính bàn tay con người. Vì vậy một lần nữa cần nhìn nhận, ý thức hơn về cách tôn trọng và hài hoà giữa con người với “mẹ thiên nhiên” – chỉ có như vậy mọi đại dịch, thiên tai sẽ hạn chế xảy ra với con người trong tương lai.
Xin kết bài viết bằng lời kêu gọi của ông Lê Công Thành- thứ trưởng Bộ TN & MT hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học: “ Bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của mỗi chúng ta, những hành động thiết thực là trồng thêm cây xanh, nói không với tiêu thụ động vật hoang dã, tích cực bảo vệ các loài động vật, thực vật quý hiếm. Chính là việc làm cụ thể thiết thực, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn. Mỗi người 1 hành động để lan toả, chung tay bảo vệ thiên nhiên môi trường. Bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta”
“Sức khỏe của con người và của cả hệ sinh thái có sự kết nối ngày càng rõ rệt. Khi con người xâm lấn tự nhiên và làm suy kiệt môi trường sống quan trọng, những rủi ro liên quan tới bệnh tật cũng ngày càng tăng. Đánh mất đa dạng sinh học sẽ tạo ra mối đe dọa đến tất cả mọi mặt của sự sống, bao gồm cả sức khỏe của nhân loại. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội, mỗi chúng ta hãy góp sức bảo vệ đa dạng sinh học để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai. Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc