Ngày Nhà giáo ở vùng cao

GD&TĐ - Những món quà 20/11 đối với các giáo viên vùng cao chỉ là một quả bí, một bao gạo nếp hay bó mía mà HS đem từ nhà đi.

Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo đơn giản nhưng ấm áp tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4
Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo đơn giản nhưng ấm áp tại Trường Tiểu học Tri Lễ 4

Đôi khi là lời chúc em HS ngại ngùng, giấu giếm viết luôn vào bài kiểm tra: “Em coi cô như người mẹ thứ 2, và cũng muốn tặng cô nhiều lắm. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi khỏi hết, nên em chẳng có quà gì, chỉ chúc cô ngày 20/11 thật vui vẻ, nhiều may mắn và hạnh phúc…”.

“Tặng thầy khúc gỗ đem về đun nước uống”

Câu chuyện thật như đùa này chúng tôi được nghe từ các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An) kể lại. “Đó là một loại cây rừng đem về bổ ra phơi khô và đun nước uống cho mát. Nhà các em có cái gì, thì đem tặng các thầy cái đó”, thầy Lô Thanh Hoài nói.

Nhưng câu chuyện lại không hề lạ ở vùng biên viễn này. Nơi mà những đứa trẻ từ 6 - 10 tuổi đôi chân quen leo rẫy ở tận trên núi cao, nhưng có thể 1 năm chỉ được một vài lần bố mẹ chở xuống cho biết thị trấn là thế nào. Chúng sống ở các bản Mông, Mường Lống, Huồi Xái, Muồi Mới, Nậm Tột… cách biệt với thế giới bên ngoài, rụt rè khi tiếp xúc với người lạ, và không biết cách thể hiện tình cảm như thế nào.

Gần 15 năm gắn bó với Trường Tiểu học Tri Lễ 4, năm vừa rồi, thầy Nguyễn Hồng Hiệp lần đầu tiên nhận được một bó hoa rừng do các em HS đem tặng trong ngày 20/11. “Điều này khiến tôi và với cả ngôi trường “toàn thầy” Tri Lễ 4 thật sự xúc động”, thầy nói. Đó là những bông hoa trạng nguyên, mọc rất nhiều ở vùng rừng núi cao, bà con dân tộc Mông sinh sống.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được biết đến là ngôi trường khó khăn nhất xứ Nghệ, cho đến giờ vẫn chưa có đường giao thông thuận lợi vào 6 điểm trường, không chợ, không y tế, không mạng Internet, không cô giáo. Các thầy giáo suốt hàng chục năm qua luôn là người cho: Cho kiến thức, cho đi yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ, cho những lời chỉ dạy từng ly từng tý. Bởi thế, khi được nhận từ những đứa trẻ mà mình hết lòng dạy dỗ, thì một bó hoa rừng cũng là bó hoa đẹp nhất. Món quà rất thật, rất hồn nhiên ấy trở nên vô cùng ý nghĩa giúp thầy giáo có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục công việc “giáo viên cắm bản”.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp (GV Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An) lần đầu tiên được học trò tặng hoa ngày 20/11
  • Thầy Nguyễn Hồng Hiệp (GV Trường Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An) lần đầu tiên được học trò tặng hoa ngày 20/11

Cô Nguyễn Thị Hồng công tác ở Trường Tiểu học Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã hơn 20 năm. Đây không phải là xã biên giới, nhưng được mệnh danh là cổng trời xứ Nghệ. Tên “mường lống”, theo tiếng Mông có nghĩa là xứ lạc, để chỉ đây là nơi cao nhất, xa nhất. Các thầy cô cắm bản, đã đi qua những ngày tháng trường tạm, lớp tạm, ở tạm. Những ngày lặn lội theo lên tận rẫy tìm HS về lớp đi học. Cho đến khi đường nhựa vào tận trung tâm xã, cô Hồng không tin vào mắt mình. Nhưng điều cô mừng nhất là trường lớp đông đủ, học trò đã thích đến trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn.

Có năm, các em HS đã khiến cô vô cùng bất ngờ trong ngày tết nhà giáo – ngày lễ mà nhiều năm trước cô đã “quên” mong chờ điều gì đó cho riêng mình. Hôm ấy đến lớp, mấy đứa trẻ không cho cô vào, bắt cô đứng ở bên ngoài. Sau khi được trò “cho phép”, đẩy cửa bước vào lớp, nhìn lên bảng, cô thấy các em đã trang trí trên bảng nhiều hình vẽ rất đẹp, ở chính giữa bảng là hình trái tim to, bên trong ghi dòng chữ: “Chúng em yêu cô lắm!. “Lúc đó, các em ở bên dưới thì vỗ tay reo mừng, còn cô thì bật khóc vì quá xúc động và bất ngờ. Thực sự tôi không biết ai chỉ cho các em làm điều này, các em đã bí mật chuẩn bị ra sao. Nhưng chỉ chừng đó thôi để tôi không bao giờ hối tiếc lựa chọn nghề giáo”, cô Hồng chia sẻ.

Thầy và trò Trường Tiểu học Mường Típ 1
  • Thầy và trò Trường Tiểu học Mường Típ 1

Thầy cô tri ân lại HS

“Em coi cô như người mẹ thứ 2, và cũng muốn tặng cô nhiều lắm. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi khỏi hết, nên em có quà gì, chỉ chúc cô ngày 20/11 thật vui vẻ, nhiều may mắn và hạnh phúc”. Đó là một trong số nhiều bức thư tay, những tấm thiệp tự làm còn vụng về nhưng rất đáng yêu mà HS gửi cho cô Nguyễn Thị Nhung (Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Kể từ khi tốt nghiệp sư phạm rồi đi dạy cho đến nay, cô Nhung đã 18 năm gắn bó với Lưu Kiền, tại ngôi trường có 100% HS là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông. Cô lập gia đình, chồng cũng công tác ở cùng trường và cả hai chọn ở lại với núi rừng, với HS chứ không về xuôi nữa. “Có lẽ, với thời gian gắn bó lâu dài như vậy nên tôi dồn hết tâm huyết của mình cho trường, cho HS, coi các em như con và luôn tìm mọi cách để giúp HS mình tiến bộ hơn, học tốt hơn, mạnh dạn hơn”. Cô Nhung còn được HS trong trường gọi là “bác sỹ Hoa Súng” vì là chuyên gia lắng nghe, tư vấn mọi khúc mắc của các em. Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền, hơn nửa HS ở trong trường để đi học. Các em sống xa nhà, nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều chuyển biến tâm lý, sinh lý nên thầy cô như là cha mẹ thứ 2 để các em dựa vào.

Là một giáo viên, rồi làm tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn trường, sau đó lên làm quản lý, ở tất cả những vị trí đó, cô không chỉ chăm lo cho HS mà còn quan tâm đến đời sống cán bộ giáo viên nhà trường. Những dịp lễ tết, ngày 20/11, trường đều tổ chức tọa đàm, hội diễn văn nghệ, thể thao để tạo sự đoàn kết, không khí phấn khởi. “Các em cũng biết có ngày nhà giáo, vậy là mang lên trường “của nhà trồng được” để tặng thầy cô. Hai năm gần đây, thấy nhiều lớp cũng biết mua 1 bông hoa tặng thầy cô. Giáo viên nào đi dạy thì được các em tặng, còn mình giờ lên làm quản lý rồi, không chủ nhiệm lớp nào, thành ra lại không có hoa”, cô Nhung vui vẻ kể.

Nhưng trong những dịp đó, chủ yếu nhà trường lại chuẩn bị quà để “tri ân HS”, tặng cho những em vượt khó học giỏi. Tạo cho các em thêm động lực, niềm vui, yêu trường, yêu lớp. Cô Nhung tâm sự: “Nếu xác định làm nghề từ cái tâm, thì không cần quà đâu, quan trọng nhất không phải là vật chất, mà dân tin yêu, học trò mến là được. Làm giáo viên thì ở đâu cũng phải yêu ngành, yêu nghề và có sự hi sinh. Bao nhiêu năm qua ở vùng cao này, tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc, vì những gì mình làm cho HS được dân bản hiểu, tin tưởng, tín nhiệm”.

HS Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (Tương Dương) vẽ tranh đá tặng thầy cô
HS Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (Tương Dương) vẽ tranh đá tặng thầy cô

Chỉ cần có HS

Năm học 2018 - 2019 bắt đầu với muôn vàn khó khăn đối với thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Hai trận lũ quét liên tiếp đã cuốn trôi nhiều phòng học, nhà ở công vụ, bếp ăn của cả thầy lẫn trò. Đường giao thông bị cắt đứt, sạt lở, và cô lập xã vùng biên này trong suốt mấy tuần liền. Ngày tựu trường, nhiều cô giáo bật khóc. Khóc trước cảnh hoang tàn do bão, khóc vì người dân nơi đây rồi sẽ đói, và lo sợ nhất là mất học trò.

Hơn 30 giáo viên xắn tay vào lao động dọn dẹp không ngừng nghỉ, khắc phục hậu quả bão lụt. Những bữa cơm chỉ có gạo đã bị ẩm mốc, măng rau và cá khô. Ấy vậy mà 1 tuần sau, đúng ngày 5/9, cả trường đã tươm tất, gọn gàng để đón ngày khai giảng. Và hơn tháng sau đó, thầy Nguyễn Quốc Trí - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi thông báo: Bộ đội và người dân đã thông đường để xe máy đi được. HS đi học đầy đủ cả rồi. Các thầy cô còn trồng được cả vườn rau xanh tốt. Sự sống hồi sinh trên mảnh đất mà cách đó không lâu, là bùn đất, đá sỏi vùi lấp.

Với những người thầy, người cô chọn cuộc đời mình dành cho việc trồng người, cũng chỉ cần có HS, có sự tin tưởng yêu thương của bà con dân bản, thì đó chính là những ngày nhà giáo vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa nhất rồi. 

Hầu hết giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 đều chịu cảnh xa nhà ở lại trong trường đi dạy. Năm nay, cô Nguyễn Thị Thu Hiền đã tròn 10 năm gắn bó với Mường Típ. Cô gái thành phố Vinh năm nào nay đã thành người bản, cô giáo bản.

Chồng là bộ đội công tác xa nhà, hai đứa con một đứa gửi nội một đứa gửi ngoại, cô ngược núi “vì lũ trẻ vùng cao, vì yêu nghề thôi, chứ kiếm tiền thì ở đâu chẳng được”, cô tâm sự. Mười năm qua, cô cũng như các đồng nghiệp khác chưa nhận được một món quà nào từ học trò, phụ huynh vào dịp 20/11. Cô không đòi hỏi gì cả, nhưng trong ngày tết của chính mình, một lời chúc mừng sẽ khiến cô ấm lòng hơn sau bao nhiêu cống hiến thầm lặng, miệt mài nơi đây. Những lúc ấy, cô và đồng nghiệp tự nói với nhau: “Cũng không trách được, vì mình dạy học ở vùng đặc thù, HS còn dại, phụ huynh thì hiểu biết, nhận thức còn hạn chế”.

Dù vậy, những dịp gần đến ngày 20/11, nhà trường cũng thông báo để các em biết: Ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày của các thầy cô, nên các em chăm ngoan, đi học đầy đủ để làm thầy cô vui lòng. Còn ngày lễ, chủ yếu là thầy cô tự tổ chức cho nhau, như một dịp để tập hợp đông đủ giáo viên từ các điểm lẻ về, chuyện mình, chuyện trò, chuyện nghề. “Cũng có những tiết mục văn nghệ do các em HS biểu diễn. Bà con thấy có múa hát thì kéo nhau đến xem đông lắm, chứ cũng chẳng biết vì sao lại tổ chức”, cô Hiền nói.

Thế nhưng, cô cũng chia sẻ một điều rất thú vị, trước khi về tết các em vẫn nhớ đem tặng cô một bao nếp nương, cành phong lan rừng. Hay mỗi dịp năm học mới bắt đầu, sau kỳ nghỉ hè, thấy các thầy cô trở lại trường học, bà con lại đem đến cho cô quả bí, quả dưa, con cá bắt được dưới suối. “Dân bản cũng biết ơn các thầy cô giáo đã đến và dạy chữ cho con cái của mình nhưng không biết thể hiện ra sao thôi. Trong nhận thức của bà con ở vùng sâu, biên giới này có lẽ những ngày lễ kỷ niệm vẫn là cái gì đó xa lạ lắm. Nên ngày lễ lớn nhất, ngày tết của các thầy cô giáo và HS chính là ngày tựu trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ