Nhà báo Duy Văn là thành viên nhóm tác giả của tác phẩm “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc” – tác phẩm đoạt giải Đặc biệt xuất sắc trong giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2018.
Đồng cảm với giáo viên vùng khó
Tại buổi giao lưu, nhà báo Duy Văn cũng chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về giáo viên cắm bản và những kỷ niệm mà chỉ có phóng viên giáo dục mới có. Đơn cử như: Để có loạt tác phẩm 3 kỳ “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc”, anh và các đồng nghiệp đã có chuyến hành trình kéo dài 1 tuần, qua 4 tỉnh, thành với khoảng 1.000km, vào các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và đi trong những ngày mưa bão.
Anh tâm sự: “Thực sự chúng tôi rất đồng cảm với những khó khăn vất vả mà các thầy, cô giáo vùng cao đang hàng ngày phải trải qua. Đó cũng là xuất phát điểm để chúng tôi thực hiện vệt bài viết về giáo viên vùng cao Tây Bắc. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn dành nhiều thời gian, tình cảm và sự quan tâm hơn nữa đến các thầy, cô giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua các bài báo của mình!
Nói về những chuyến công tác miền núi, anh chia sẻ: “Vì nghề nghiệp chúng tôi thường có chuyến đi công tác dài ngày ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có một điều thật đặc biệt, chúng tôi là những người lính vì thế cũng có nhiều sự gắn bó với thầy, cô giáo..
Trong những chuyến công tác tại miền núi, chúng tôi cũng thường xuyên có cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ với các giáo viên cắm bản. Họ để lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc về những nhà giáo đầy nghị lực, sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp "trồng người" nơi vùng khó”.
Nhà báo Trần Duy Văn (Báo Quân đội nhân dân) trong nhóm tác giả của tác phẩm “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc”. |
Ăm ắp những kỷ niệm với thầy, cô
Với anh viết về thầy, cô giáo luôn mang lại nhiều cảm xúc và cũng có thật nhiều kỷ niệm. Nhà báo Duy Văn nhớ lại: Kỷ niệm mà anh nhớ nhất đó là khi viết về nhà giáo đúng dịp 20/11.
“Khi đó tôi được giao nhiệm vụ viết về các thầy, cô giáo ở trường dạy trẻ khuyết tật ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ở đây có cả những cô giáo cũng là người khuyết tật. Khi chúng tôi hỏi các cô có mong muốn điều gì cho riêng mình không thì họ chỉ mỉm cười rồi nhìn học trò của mình và nói rất mộc mạc: Các nhà báo nếu giúp được gì thì hãy hãy dành điều đó cho các con của chúng tôi” – Nhà báo Duy Văn xúc động nhớ lại kỷ niệm xưa.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc: anh có ý kiến gì về một số phóng viên viết về Giáo dục theo kiểu "bới lông tìm vết"? Nhà báo Trần Duy Văn nói: Trước hết, chúng ta cần thống nhất với nhau một điều, bên cạnh chức năng tuyên truyền thì báo chí có chức năng phản biện xã hội. Vì vậy, cũng không ít phóng viên chọn góc nhìn "chưa đẹp" để phản ánh.
Tuy nhiên, thực tế không ít phóng viên chưa thực sự công tâm với đề tài mà mình thực hiện. Cũng có phóng viên đã làm méo mó một sự việc mà bản chất không phải như vậy. Những phóng viên này, cũng đáng bị lên án. “Với giới báo chí chúng tôi thì phần lớn luôn quan niệm lấy cái đẹp để lấn át cái xấu và làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn” - Nhà báo Duy Văn nêu quan điểm.